(VOV5) - Cách đây 51 năm (27/1/1973 – 27/1/2024), tại Thủ đô Paris, Pháp, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris về Việt Nam) được ký kết.
Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết kết thúc cuộc đàm phán dài nhất trong thế kỷ 20 với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng Việt Nam - Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Ngay ngày hôm sau, 28/1/1973, thỏa thuận ngừng bắn ở Việt Nam có hiệu lực. Ngày 29/3/1973, người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Cuộc đàm phán gần 5 năm để đi đến ký kết Hiệp định là một bước tiến vô cùng quan trọng, có tính quyết định để Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.
Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam còn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia, mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á-giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).