(VOV5) - Năm 2022 là năm thứ 27 Việt Nam tham gia ASEAN, tiếp tục duy trì và củng cố vị thế, vai trò, tiếng nói trong ASEAN.
Đây là khẳng định của các đại biểu dự cuộc họp liên bộ, ngành tổng kết hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2022 do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì tổ chức ngày 09/01, tại Hà Nội. Về chính trị an ninh, các điểm nóng trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, từ vấn đề Biển Đông, Myanmar, eo biển Đài Loan đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Cuộc họp liên bộ, ngành tổng kết, đánh giá hợp tác ASEAN, tham gia của Việt Nam năm 2022 và phương hướng năm 2023. Ảnh: Anh Sơn/baoquocte.vn |
Sức ép mà các nước ASEAN gặp phải trước những vấn đề này đã tạo ra những khó khăn và thách thức cả bên trong và bên ngoài, đặc biệt với sự đoàn kết của ASEAN. Mặc dù vậy, năm qua, ASEAN vẫn đạt những thành tựu nhất định.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết: "Về tăng trưởng kinh tế, ASEANa đã duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối tốt so với các khu vực khác trên thế giới. Năm nay, tăng trưởng 5,1% và dự báo năm sau vẫn duy trì ở mức khoảng 5%. Đà xây dựng cộng đồng vẫn được duy trì tốt, đúng lộ trình và cũng đã khởi động xây dựng cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Các quan hệ đối ngoại cũng đạt được nhiều tiến triển thực chất. ASEAN năm qua đã có những ứng xử cân bằng, linh hoạt trong các vấn đề phức tạp, qua đó duy trì và củng cố hình ảnh của Hiệp hội".
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (giữa) phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Anh Sơn/baoquocte.vn |
Năm 2022 là năm thứ 27 Việt Nam tham gia ASEAN, tiếp tục duy trì và củng cố vị thế, vai trò, tiếng nói trong ASEAN. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã để lại dấu ấn tích cực. Việt Nam cũng rất nỗ lực để phát huy vai trò mang tính dẫn dắt trong việc tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Myanmar. Năm 2022, Việt Nam đã hỗ trợ tích cực cho Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia cũng như đóng góp vào các công việc chung của ASEAN.