(VOV5)- Nhà báo Trần Mai Hạnh là nhà báo đầu tiên của Việt Nam viết bài tường thuật về chiến thắng tại Dinh Độc lập trưa 30/04/1975.
Đúng 11h30 phút ngày 30/04/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của quân và dân Việt Nam. Trong đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, nhà báo Trần Mai Hạnh, lúc đó với tư cách là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng có mặt, chứng kiến lá cờ của quân giải phóng được kéo lên cột cờ cao nhất trên nóc Dinh Độc Lập. Nhớ lại thời khắc lịch sử khi Sài Gòn được giải phóng, đất nước hoàn toàn độc lập, nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: "Quang cảnh Dinh Độc lập khi đó rất hoành tráng. Những chiếc xe tăng của quân giải phóng sau khi vào thì đều quay ngược nòng súng ra ngoài để bảo vệ Dinh. Ở ngoài, bà con kéo đến ngợp đường. Trong sân, các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa đầu hàng ngồi ủ rũ ở bậc ngoài sân chờ đợi vì họ chưa biết làm gì. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đi đi lại lại ở ngoài sân, không ai bắt họ cả. Còn các chiến sỹ giải phóng thì tất bật, có những chiến sỹ vẫn ngồi trên xe tăng, cờ giải phóng tung bay."
|
Trang 3 Báo Nhân Dân ngày 2/5/1975 có đăng tải bài tường thuật của nhà báo Trần Mai Hạnh |
Nhà báo Trần Mai Hạnh là nhà báo đầu tiên của Việt Nam viết bài tường thuật về chiến thắng tại Dinh Độc lập trưa 30/04/1975. Bài tường thuật được đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã và được đọc trang trọng trong bản tin thời sự đặc biệt trưa 01/05/1975 của Đài Tiếng nói Việt Nam với nhan đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”. Bài tường thuật cũng được đăng trên báo Nhân Dân số đặc biệt ngày 02/05/1975 chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng với đầu đề được đặt lại là “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” dưới bài tường thuật ghi rõ tên người viết: "Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn". "Trưa 30/04, trước khi viết bài, tôi nảy ra ý nghĩ là phải ra bến cảng Sài Gòn xem ngày hôm nay giải phóng như thế nào.Khoảng 1 giờ chiều 30/04, đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản bến cảng. Dưới sông Sài Gòn, mấy chiếc tàu hải quân của quân đội Sài Gòn bị trúng đạn pháo của quân giải phóng nổ tung, bốc cháy, khói cuộn mù mịt. Trên bến, hàng trăm người ùa ra đón đoàn quân giải phóng, tay cầm cờ mặt trận, cờ đỏ sao vàng và nhiều bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước mắt tôi là khung cảnh hoành tráng, rất xúc động. Vậy nên khi về trụ sở Việt tấn xã đặt bút viết bài tường thuật đầu tiên, hình ảnh bến cảng Sài Gòn hoành tráng hiện ra và tự nhiên dòng chữ "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" hiện lên và tôi viết, tôi dùng luôn dòng chữ đó là đầu đề bài viết. Lúc đó gọi tên là Sài Gòn chứ chưa ai gọi tên là thành phố Hồ Chí Minh cả. Hơn 1 năm sau, khi Quốc hội thống nhất ra nghị quyết thì mới đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh."
Nhà báo Trần Mai Hạnh tâm sự trong chiến tranh, còn sống, được chứng kiến và lưu dấu giờ phút lịch sử trọng đại của đất nước là điều cực kỳ may mắn. Bởi vậy, từ những tư liệu nguyên gốc, tuyệt mật của phía bên kia mà nhà báo Trần Mai Hạnh có cơ hội được tiếp cận, cùng với suy nghĩ "sự kiện lịch sử chỉ diễn ra có một lần", ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75". Cuốn sách đã tái hiện một cách chân thực những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng hòa.