Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh: Thời gian sẽ trả lại sự thật về sự thật
Mỹ Trà -  
(VOV5) - Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" phiên bản tiếng Anh của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
Những tài liệu nguyên bản được xem là tuyệt mật ở thời điểm trước năm 1975 của phía Việt Nam Cộng hoà và Hoa Kỳ cùng những tư liệu tác giả viện dẫn trong cuốn sách gắn với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước có độ chính xác và tin cậy cao. Đây là cuốn sách vừa có giá trị về văn học, vừa có giá trị về lịch sử và báo chí.
|
Bìa cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” – Phiên bản tiếng Anh. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phóng viên: Thưa nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, giữa cuốn tiểu thuyết "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4. 75" và sự kiện lịch sử trưa 30/04/1975 ở Dinh Độc Lập có mối quan hệ rất khăng khít. Ông là nhà báo chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử ấy, xin ông cho biết sự kiện này liên quan gì đến sự ra đời của cuốn sách?
Ông Trần Mai Hạnh: Sự kiện lịch sử ấy cực kỳ quan trọng và nó quyết định sự ra đời của cuốn sách vì hai lý do. Một là tôi được chứng kiến giờ phút lịch sử đó, viết bài tường thuật đầu tiên về nó. Và cũng tại giờ phút lịch sử ấy tôi bừng thức lên suy nghĩ là sự kiện lịch sử chỉ diễn ra có một lần, và mỗi ngày, sự kiện lịch sử ấy sẽ xa đi và sẽ bị lớp bụi thời gian phủ mờ đi. Từ đó, tôi mới nảy sinh suy nghĩ là phải phục dựng lại những giờ phút lịch sử về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn diễn ra cụ thể như thế nào.
Phóng viên: Tại sao cuốn tiểu thuyết tư liệu chiến tranh lại có nhiều tư liệu, chi tiết chính xác từng ngày, từng giờ đến như vậy. Cơ duyên nào đã giúp ông tiếp cận được với kho tư liệu tuyệt mật này?
Ông Trần Mai Hạnh: Phía sau của cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là cả một câu chuyện cũng rất ly kỳ, thậm chí là đầy tính tiểu thuyết, có thể viết thành một cuốn sách. Có thể nói là do cơ may và cơ duyên lịch sử.
Tôi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ đầu, với tư cách là đặc phái viên của TTXVN. Tôi rất may mắn khi có mặt ở Dinh Độc lập trưa 30/04/1975 vào giờ phút lịch sử đó.
Khi đó, tôi là đặc phái viên TTXVN đi theo nhà báo Đào Tùng nên được đi theo, tiếp xúc, gặp gỡ tất cả những cơ quan quan trọng nhất trong giờ phút đầu của giải phóng tôi tiếp cận được với các tài liệu. Tôi đánh máy lại hết tất cả những gì thu thập được. Sau 2 tháng ở Sài Gòn, khi tôi ra Hà Nội trên đường biển, toàn bộ ba-lô của tôi đầy một balo tài liệu và chiếc máy chữ.
Rồi sau giải phóng, phía Mỹ triệu tập tất cả tướng lĩnh Sài Gòn thoát chạy ra nước ngoài để bắt viết tường trình lại toàn bộ cuộc chiến những ngày cuối cùng. Tất cả những tài liệu đó, Trung tâm Lịch sử quân sự Lục quân Hoa Kỳ lấy lại, in thành sách tiếng Anh để giảng dạy trong các trường quân sự của Mỹ. Tôi đã mượn được những tài liệu đó được dịch sang tiếng Việt để nghiên cứu.
Năm 2000 tôi đã phác thảo xong cuốn sách này lần đầu tiên. Cuốn sách này có 19 chương, tôi đã xong 18 chương, còn 1 chương cuối cùng chưa xong, là chương "Phút sụp đổ của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn và tắt thở của chính thể Việt Nam Cộng hòa". Tôi chưa tìm được tài liệu gốc của những tướng, lính quân đội Sài Gòn những ngày cuối cùng ở Bộ Tổng tham mưu họ viết, họ kể lại. Nhưng cuộc sống là cơ duyên. Một Đại tá tình báo được phân công làm nhiệm vụ hỏi cung tất cả những tướng ở Sài Gòn từ cấp Đại tá trở lên, có cậu con trai học vợ tôi dạy văn. Anh là người cũng máu mê viết lách, nên trên bàn cung ghi chép, anh có đặt tờ giấy than để lấy lại một bản làm tư liệu để viết. Tất cả những lời khai đó là có hết. Khi chúng tôi gặp nhau đã nảy sinh ra ý định hợp sức tài liệu lại, viết một cuốn tiểu thuyết "Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ngày cuối chiến tranh".
|
Nhà văn Trần Mai Hạnh chụp lưu niệm cùng bà Nguyễn Kim Nga, Trưởng ban Biên tập sách quốc tế |
Phóng viên: Ngoài việc gom tư liệu, trình bày và sắp xếp tư liệu thì công sức sáng tạo của tác giả như thế nào để đảm bảo tính chân xác và thuyết phục?
Ồng Trần Mai Hạnh: Đầu tiên có người nói cuốn sách này là tư liệu báo chí, không phải văn học, tôi mới nói rằng ở đây tác giả đã phải hóa thân hoàn toàn sang phía bên kia để dựng lại hoàn toàn. Tác giả có mặt trong tất cả các phiên họp, tất cả các mặt trận, tất cả các quyết định, tất cả các suy tư của các tướng lĩnh, thậm chí cả trong các phát biểu để dựng nên. Hóa thân như là hư cấu rồi.
Nếu tôi in cuốn sách đó từ năm 2002 thì đã không ai nhắc đến cuốn sách nữa. Bởi vì sao? Vì khi ấy tôi viết vẫn với ý thức địch - ta, vẫn cứ bên cách mạng và bên phản cách mạng, vẫn người chiến thắng và kẻ thất bại. Tuy nhiên, chiến tranh là điều không ai muốn cả. Hòa bình là niềm khát khao của nhân loại. Hòa bình là vô giá. Trong tôi rung lên một nỗi xúc động sâu xa về thân phận con người, khát vọng hòa bình của con người, những chuân chuyên mà con người phải trải qua. Và tôi quyết định viết lại cuốn sách này với ánh sáng hoàn toàn khác, đi đến tận cùng của sự thật. Sự thật không bị bất cứ thiên kiến chủ quan nào chi phối. Không phải thắng trận thì viết thế nào cũng được, thua trận muốn giải thích ra sao cũng được. Sự thật là sự thật và thời gian sẽ trả lại sự thật cho về sự thật.
Phóng viên: Sự tiết chế của người viết và sự logic trong câu chuyện như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Mai Hạnh: Cái logic ở đây là mình phải tìm đến tận cùng của sự thật. Ví dụ trong cuộc họp ở Cam Ranh, phải tìm được tất cả những người có mặt trong cuộc họp đó, người ta phát biểu như thế nào. Sau này ra nước ngoài, khi viết hồi ký, khi trả lời phỏng vấn các báo, những người đó đều nói cả, mình phải nhặt tất cả những cái đó. Rồi có những người bị giam giữ trong trại cải tạo họ tường trình lại.
Quân đội Sài Gòn cũng rất quân phong quân kỷ. Khi thất bại rút chạy, Thiệu lệnh cho tất cả các tướng lĩnh chạy về đều phải viết tường trình cụ thể giờ phút sụp đổ như thế nào, trách nhiệm của cá nhân ra làm sao. Tất cả tướng lĩnh viết hai bản, một bản nộp cho Thiệu, một bản nộp cho Cao Văn Viên. Nên trưa 30/04, khi quân giải phóng vào, trên bàn Cao Văn Viên còn đầy đủ tất cả những bản tường trình của tất cả các tướng lĩnh. Nhờ thế mà tôi mới viết nổi cuốn sách này, chứ không làm sao mà dựng được chính xác đến như thế. Cái hay của tác giả là tác giả có tất cả các cái tường trình ấy mà không một nhà báo nào có được.
Phóng viên: Được biết đây là cuốn sách đạt giải thưởng văn học nghệ thuật đầu tiên của Hội Nhà văn được tổ chức dịch sang tiếng Anh và xuất bản từ trong nước ra nước ngoài. Ông có thể chia sẻ gì về sự ra đời của cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" phiên bản tiếng Anh?
Ông Trần Mai Hạnh: Cuốn sách này kỳ lạ lắm. Cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in. Gần như cuốn sách này có số phận của nó, nó tự cất bước, không phụ thuộc vào ý định của tác giả. Tôi không đi thi, nhưng cuốn sách của tôi đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 và tôi cũng không thể ngờ được cuốn sách được Giải thưởng văn học các nước ASEAN năm 2015. Ở Giải thưởng ASEAN 2015, một số chương cuốn sách này được dịch sang tiếng Anh được mọi người rất quan tâm. Nhiều đơn vị mong muốn mình dịch sang tiếng Anh để rồi từ tiếng Anh người ta dịch sang tiếng của họ như Indonesia, Malaysia... nhiều thứ tiếng. Ngày 04/01/2016, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ra quyết định dịch tác phẩm "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" sang Anh ngữ để giới thiệu với bạn đọc thế giới về cuộc chiến gian khổ và những khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng giá trị lịch sử của cuốn sách, sự hi sinh của rất nhiều con người đã nâng bước cho cuốn sách.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!
Mỹ Trà