(VOV5) - Chiều 10.6, Quốc hội chính thức bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng.
Phần chất vấn xoay xung quanh 4 nhóm vấn đề: nợ công và khả năng trả nợ; quản lý thu chi ngân sách; kiểm soát giá cả thị trường nhất là đối với mặt hàng thiết yếu; cổ phần hóa, cơ cấu lại tổ chức các doanh nghiệp nhà nước.
|
Liên quan đến nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong những năm gần đây nợ công có xu hướng tăng tuy nhiên đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của nợ công thì phải căn cứ vào cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Đây là 2 yếu tố rất quan trọng. Trên cơ sở đánh giá 2 yếu tố này thì nợ công vẫn nằm trong an toàn, thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn. Bộ trưởng nói: Về chỉ tiêu nợ công/GDP, tỷ lệ này thay đổi không nhiều qua các năm. Năm 2013 là 53,4%. Tỷ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép của Quốc hội (65%); riêng nợ Chính phủ là 41,5% , cũng thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép. Chúng tôi cho rằng cùng với tăng trưởng GDP ở mức trung bình trong năm tới kết hợp với kiểm soát chặt chẽ tính bền vững của nền kinh tế , khả năng trả nợ sẽ được duy trì.
Tuy nhiên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng vấn đề ở đây là trùng thời điểm trả nợ. Theo cơ cấu nợ công hiện nay, Việt Nam có 50% nợ nước ngoài, ODA lãi suất thấp; 50% còn lại là trái phiếu Chính phủ và các khoản vay khác. Những năm qua, thời hạn huy động trái phiếu ngắn. Khoảng 30% huy động trong nước ở thời gian trả nợ là 1 – 3 năm. Đây là vấn đề hệ trọng, cần có giải pháp để cơ cấu lại nợ công và thực tế, từ cuối năm 2013 - 2014, phát hành trái phiếu Chính phủ đã có thời hạn lớn hơn. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, hiện nay, tỷ lệ trả nợ của Chính phủ/ tổng thu ngân sách vẫn nằm dưới mức 25% mà Quốc hội đặt ra.
Đề cập việc giảm bội chi ngân sách theo lộ trình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết:Mục tiêu đặt ra là 4,5% bội chi vào 2015 và đến 2020 khoảng 4%. Tuy nhiên những năm qua kinh tế khó khăn, yêu cầu chi tiêu rất lớn đặc biệt chi tiêu cho an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo,bên cạnh đó khả năng huy động từ ngân sách khó khăn. Trong những năm tới, phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi thường xuyên và nâng cao hiệu quả chi tiêu để dành tiền phục vụ đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khẳng định các nguồn vốn đầu tư là an toàn và có tác dụng phát triển kinh tế - xã hội./.