(VOV5) - Đó là nội dung nổi bật trong phiên họp của UB TVQH về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”.
Toàn cảnh Phiên họp. - Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp tục chương trình phiên họp 44, sáng 27/4, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Báo cáo của Đoàn giám sát đã đánh giá đầy đủ, toàn diện về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trong giai đoạn 2015-2019, sát tình hình thực tế. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để nắm rõ tình hình và đưa ra các giải pháp cụ thể phòng chống hiệu quả, kéo giảm tình trạng xâm hại trẻ em; bổ sung trách nhiệm, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, địa phương, nhất là vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, cho rằng: "Trong giải pháp kiến nghị cũng như phương hướng tới đây phải đặc biệt quan tâm đến nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ bị xâm hại, nhất là các cháu hiện nay trẻ em lang thang cơ nhỡ, cần phải coi đây là biện pháp rất quan trọng. Phải nắm được thế nào, phải có biện pháp can thiệp phòng ngừa như thế nào với số này, với cả phụ huynh, nhà trường như thế nào. Có thể phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với nhóm này".
Tại phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 63 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội và cho ý kiến về thực hiện Nghị quyết 468 của Ủy ban, kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.