(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội đánh giá khách quan, xem xét kỹ những khó khăn, thách thức tình hình trong nước và bối cảnh khu vực và thế giới.
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng nay (11/11), tại Hà Nội, Quốc hội bắt đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong 2 ngày, các đại biểu Quốc hội chất vấn 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Y tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 cũng như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc của Kỳ họp là phải tạo sự bứt phá trong năm 2024 và năm 2025, mục tiêu này cần phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt với giải pháp hiệu quả nhất.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội đánh giá khách quan, xem xét kỹ những khó khăn, thách thức tình hình trong nước và bối cảnh khu vực và thế giới; phân tích, đánh giá đúng mức những mặt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ sát thực, khả thi, hiệu quả. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối Kỳ họp làm cơ sở để các cơ quan giám sát. Đồng thời, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ có thêm thông tin để hoàn thiện các giải pháp trong việc chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý.
Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về chính sách hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai: “Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Chẳng hạn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Chúng tôi cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi bão Yagi. Đến nay, có 35 tổ chức tín dụng đã công bố với tổng gói tín dụng là 405.000 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của thiên tai với khoản lãi xuất ưu đãi hơn. Đến ngày 31/10/2024, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) và hạ lãi xuất cho các khoản vay hiện hữu với dư nợ được giảm lãi xuất khoảng 82.000 tỷ đồng (hơn 3,2 tỷ USD)".
Đối với việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Đưa lãi xuất USD về 0%, đã hạn chế đầu cơ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Đây là biện pháp hiệu quả để ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, một số Ngân hàng Trung ương trên thế giới đang ở trong chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ và đã có một số Ngân hàng Trung ương giảm lãi xuất. Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá vàng, ngoại hối theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường".