(VOV5) - Hôm nay (7/1), tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội tại Kỳ họp này đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Ảnh: quochoi.vn |
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm hoàn thiện và thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng, lập các quy hoạch quan trọng khác phục vụ quá trình phát triển bền vững đất nước. Đại biểu Tại Văn Hạ, đoàn Quảng Nam, nhấn mạnh: “Đây là quy hoạch quan trọng với tầm nhìn dài hạn, lâu dài. Cần thiết phải cho ra đời Quy hoạch tổng thể quốc gia càng sớm càng tốt. Bởi theo quy định của luật Quy hoạch, quy hoạch cấp vùng, tỉnh, ngành đều phải căn cứ vào quy hoạch quốc gia mới có thể xây dựng và triển khai được”.
Cơ bản nhất trí với các nội dung chính được nêu trọng dự thảo Quy hoạch, song để đảm bảo tính khả thi, các đại biểu Quốc hội cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bám sát thực tiễn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và lợi thế của mỗi vùng, miền, địa phương, ngành nghề, lĩnh vực... Các đại biểu cũng kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, làm rõ một số nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch quốc gia về sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng nguồn nước; phát triển kinh tế biển; liên kết phát triển giữa các cực tăng trưởng; phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực công nghệ cao; phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân; phát triển du lịch; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo cam kết sẽ điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho Quy hoạch quốc gia để phục vụ quá trình phát triển đất nước. Về tính khả thi và nguồn lực thực hiện Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Kịch bản lựa chọn đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá các tác động cũng như cân đối các nguồn lực, phù hợp thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển, đồng thời bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ 13. Và để đảm bảo tính khả thi của kịch bản thì phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao nhất, tận dụng và khai thác hiệu quả được tất cả các lợi thế so sánh của các vùng, của cả nước cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra”.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc đánh giá thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Cuối buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết trong năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Ngày mai Chủ nhật (8/1), Quốc hội nghỉ và làm việc trở lại vào thứ Hai (9/1)