(VOV5) - Nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT của Chính phủ để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh tổng cầu giảm, kinh tế khó khăn hiện nay.
Chiều 24/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%.
Việc này áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuể giá trị gia tăng (VAT) 2%. Ảnh: VGP/LS |
Theo Bộ trưởng, tiếp tục thực hiện chính sách thuế này là cần thiết nhằm kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nếu được Quốc hội thông qua, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng (từ 01/7/2023 đến hết 31/12/2023).
Dự kiến, khi áp dụng chính sách này, giảm thu ngân sách khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Để bù đắp thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính và các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên”.
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất giảm thuế VAT của Chính phủ để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh tổng cầu giảm, kinh tế khó khăn hiện nay.
Ông Lê Thanh Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng việc giảm thuế này sẽ giúp doanh nghiệp, giảm chi phí, tăng doanh số, kích thích tăng trưởng.
Doanh nghiệp có lợi nhuận nhiều hơn sẽ quay lại nộp thuế. Khoan sức dân trong bối cảnh này là cần thiết. Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang, mức giảm thuế 2% tạm thời chấp nhận được để đảm bảo an toàn. Sau 6 tháng có thể tính toán tiếp.
Năm ngoái là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết các mặt hàng đang chịu thuế suất 10% xuống còn 8%. Việc thực hiện chính sách này (01/02 - 31/12) đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dung nội địa, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm ngoái tăng 19,8% so với năm trước đó, thu thuế giá trị gia tăng nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.