(VOV5) - Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Sáng nay (15/02), tại Nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội, trong chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu tham gia Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội, khẳng định việc thảo luận dự thảo Nghị quyết là rất quan trọng, rất gấp: "Mục tiêu của chúng ta là phải khuyến khích, không phải chỉ là tháo gỡ. Chúng ta phải đầu tư và phải có thời gian. Khoa học là miền đất hoang vu, ai mà đi được vào trúng việc đó thì thắng lợi lớn. Nghị quyết 57 đã thấy được những điều này và phải có những chủ trương về những vấn đề như vậy. Trước mắt, Luật khoa học - công nghệ đã tập trung những vấn đề này; cùng với đó, cả hệ thống luật pháp cần tiếp tục sửa chữa cho tiến bộ, đồng bộ và sát với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu."
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các cơ chế được đề cập trong Nghị quyết, cũng như các đối tượng áp dụng, kinh phí thực hiện, bổ sung quy định về dự đoán kiểm soát rủi ro, đánh giá hiệu quả…
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ, ngoài các cơ chế đặc thù, trong Nghị quyết và thực tiễn cần nghiên cứu thêm các cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ; cơ chế đặc biệt trong quản lý, công cụ giám sát, kiểm tra... Về cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: "Cần thu hút phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ, thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài để họ về Việt Nam, góp phần thúc đảy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số bằng chính sách thuế, phí, lệ phí, chính sách nhà cửa, đất đai, chính sách visa, hợp đồng lao động. Phải có những chính sách đặc thù, đặc biệt."
Trước đó, cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).