(VOV5) - Nhiều sản phẩm được sản xuất từ công sức và trí tuệ của các doanh nông trẻ đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở trong và ngoài nước; qua đó, góp phần đưa hàng Việt vươn ra thế giới.
Nhiều thanh niên ở nông thôn đang khởi nghiệp từ những nông sản, nguyên vật liệu sẵn có ở quê hương. Nhiều người trong số họ đã thành công, xây dựng được thương hiệu hàng hóa có uy tín ở thị trường trong và ngoài nước.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhiều người tiêu dùng ở trong nước và nước ngoài đã biết đến các sản phẩm làm từ xơ mướp như: bông tắm, miếng gặm cho thú cưng... mang thương hiệu “Mr Mướp” của Công ty TNHH Green Is Gold. Anh Đỗ Đăng Khoa ở tỉnh Đồng Tháp là Founder và CEO, sáng lập và điều hành Công ty. Anh và các thành viên trong nhóm của mình được chương trình “Khởi nghiệp Xanh” của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) hỗ trợ.
Đỗ Đăng Khoa là 1 trong 18 doanh nông trẻ tiêu biểu tham gia Ban Chủ nhiệm CLB Doanh nông Xanh ba miền - Ảnh: VOV |
Hiện tại, ngoài việc sản xuất các sản phẩm từ xơ mướp, Công ty của Khoa bắt đầu làm các sản phẩm từ vỏ ngô, bèo tây… để đa dạng hóa sản phẩm và tận dụng nhiều hơn tài nguyên bản địa. Anh Đỗ Đăng Khoa cho biết: “Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với thế mạnh về nguồn tài nguyên bản địa. Khi chọn quay về quê hương, tôi nghĩ phải làm gì đó để tận dụng nguồn tài nguyên bản địa là con người, nguyên vật liệu có sẵn của bà con nông dân. Từ đó kết hợp với tri thức của mình để tối ưu hoá quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đem lại lợi nhuận cao hơn”.
Cũng như anh Đỗ Đăng Khoa, anh Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên ở huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh chọn trở về nông thôn Tây Ninh để khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống của địa phương là bánh tráng và muối ớt. Anh Duy cho biết bánh tránh của người Tây Ninh từ bao đời nay chỉ được bán ở trong nước; giờ muốn xuất khẩu thì phải cải tiến mẫu mã và chất lượng. Duy đã nghiên cứu, tổ chức sản xuất để cho ra đời bánh tráng thương hiệu “Tân Nhiên” mỏng, mềm, dai, không cần nhúng nước khi ăn. Anh Đặng Khánh Duy cho biết: “Tôi đã đầu tư và áp dụng quy trình sản xuất hiện đại để làm ra sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên. Qua đó, sản phẩm chất lượng hơn, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, từ đó xuất khẩu dễ dàng hơn”.
Sản xuất bánh tráng tại Công ty Tân Nhiên - Ảnh: VOV |
Hiện tại, Công ty TNHH Tân Nhiên còn giúp đỡ các bạn trẻ ở địa phương khởi nghiệp và đưa ra thị trường các sản phẩm như: muối Nhất Vị, Mr. Muối, bánh tráng trộn Nhất Vị…Các sản phẩm này cùng với bánh tráng Tân Nhiên đang có mặt ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc bằng con đường nhập khẩu chính ngạch.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho biết bà đã chứng kiến nhiều bạn trẻ là đầu bếp đã khởi nghiệp thành công từ những sản vật ở quê hương: “Luôn có những điều mới lạ từ những bạn trẻ, từ tư duy cho đến những công việc mà các bạn triển khai. Luôn có một nguồn năng lượng mới, tích cực để làm sao cho những sản phẩm mang tính bản địa của địa phương hay là những sản phẩm OCOP, đi vào đời sống thực tế của người Việt, để phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thanh niên ngày càng thay đổi tích cực về tư duy, nhận thức, mạnh dạn khởi nghiệp, đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc sống. Đồng thời, trong khởi nghiệp, một đội ngũ doanh nông trẻ đặc biệt chú ý đến yếu tố “xanh”, từ nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ: “Các bạn trẻ khởi nghiệp rất chú ý đến tính sáng tạo, phải ứng dụng hoặc công nghệ mới, hệ thống quản trị mới, hoặc cách làm mới; có sự tiến bộ khá rõ rệt. Khả năng thương mại hóa sản phẩm là điểm quan trọng trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt như bây giờ, thói quen của người tiêu dùng thay đổi”.
Nhiều sản phẩm được sản xuất từ công sức và trí tuệ của các doanh nông trẻ như: mật hoa dừa Sokfarm, mật dừa nước Vietnipa, các loại bánh cuộn Tư Bông, các loại bột rau Quảng Thanh… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở trong và ngoài nước; qua đó, góp phần đưa hàng Việt vươn ra thế giới.