(VOV5) - Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã diễn ra cuối giờ chiều 10/6, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải rất thận trọng, khách quan và công tâm trước lá phiếu mình bầu. |
Phát biểu giải trình thêm về một số nội dung trước khi bỏ phiếu, trong đó có căn cứ đánh giá tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Đại biểu Quốc hội căn cứ vào thông tin được nêu trong báo cáo về hoàn thành chức trách nhiệm vụ công tác và phẩm chất đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm; báo cáo tình hình kinh tế xã hội an ninh quốc phòng đối ngoại trong thời gian vừa qua cũng như các báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội , Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của quốc hội. Báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ, các bộ, ngành, qua hoạt động giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội nhưng quan trọng nhất vẫn là qua xem xét, đánh giá công tâm, khách quan của chính các vị đại biểu Quốc hội.”
Với hơn 95% số đại biểu tán thành, sáng 10/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIII đã thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trong số các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đây là lần đầu tiên Quốc hội dùng quyền giám sát tối cao của mình đối với vấn đề nhân sự. Theo ông, chính các đại biểu sẽ thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng là đánh giá các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước mà các đại biểu đã bầu từ đầu nhiệm kỳ.
|
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là sự đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước |
Quốc hội sẽ cân nhắc cẩn trọng, công tâm và thực sự khách quan trong đánh giá từng chức danh, theo các căn cứ cụ thể. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng Quốc hội sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, nhà nước và đặc biệt là đồng bào cử tri. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Chắc chắn chúng ta sẽ phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước. Quy trình bỏ phiếu có 4 công đoạn chính. Thứ nhất là Quốc hội sẽ bỏ phiểu để chốt danh sách các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Thứ 2 là thảo luận tại các đoàn để đánh giá nhận xét về việc lấy phiếu. Thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ giải trình báo cáo thảo luận ở đoàn với Quốc hội, sau đó Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu. Đầu giờ sáng 11/6, Quốc hội sẽ công bố kết quả bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. Nghị quyết này sẽ được công bố công khai đến đồng bào cử tri cả nước.”
Việc Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được nhiều tờ báo số ra ngày hôm nay đề cập. Với tiêu đề Bước phát triển mới trong giám sát tối cao, Báo Quân đội nhân dân khẳng định sự kiện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không chỉ thể hiện bước phát triển mới trong giám sát tối cao về công tác cán bộ mà còn góp phần nâng cao chất lượng bộ máy Nhà nước. Bài viết Cân đo đức tài theo hiệu quả công việc đăng trên báo Tuổi trẻ cho rằng phiếu tín nhiệm phản ánh niềm tin của Quốc hội cũng đồng nghĩa với niềm tin của hàng triệu cử tri đối với cán bộ đang giữ trọng trách trong bộ máy quản lý, điều hành đất nước.
Sáng 11/6, kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố. Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ được Quốc hội thông qua ngay sau đó.
Cùng ngày, theo chương trình dự kiến, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật tiếp công dân, dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014./.