(VOV5) - Quốc hội nên có một nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế, bao gồm cả chính sách thuế cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi.
Sáng nay (25/5), tại Hà Nội, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế- xã hội, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Về những vấn đề của nền kinh tế, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng khi môi trường đầu tư , kinh doanh bị tác động lớn từ bên ngoài cũng như từ yếu tố nội tại của Việt Nam. Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng những khó khăn trong năm nay không phải là bất ngờ, bởi đã được lường trước khi bàn về kịch bản tăng trưởng.
Đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông. Ảnh:daibieunhandan.vn |
Về giải pháp, theo ông Vân, Chính phủ cần có chương trình đối phó ngắn hạn với tình hình, tập trung vào chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng thời điểm này, Chính phủ nên chọn và tập trung vào 1 - 2 giải pháp để giúp nền kinh tế phục hồi tốt. Ông Minh đề xuất phải tìm giải pháp để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Theo đó, Quốc hội nên có một nghị quyết riêng để phát triển doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế, bao gồm cả chính sách thuế cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi. Song song với đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng là giải pháp mấu chốt. Trao đổi với báo chí, đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông, nêu ý kiến:Chính phủ phải tăng cường lãnh đạo chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động của doanh nghiệp, mà bắt đầu từ thể chế.
Thảo luận về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2%, các đại biểu cho rằng điều này là cần thiết, song nên nghiên cứu kéo dài thời hạn áp dụng (hiện, Chính phủ đề xuất là 6 tháng) và mở rộng đối tượng áp dụng. Trao đổi với báo chí, đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn Hà Nội cho rằng: Việc mở rộng đối tượng được giảm thuế 2% là cần thiết để thúc đẩy tiêu dùng đồng thời cũng cho thấy chính sách của Việt Nam là công bằng; giúp doanh nghiệp ít khó khăn hơn sẽ có lợi thế trong cạnh tranh và phát triển.