(VOV5)- Các đại biểu cho rằng cung cấp thông tin cần với quan điểm công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ.
Góp ý vào dự thảo Luật tiếp cận thông tin trong phiên họp Quốc hội chiều 24/3, các đại biểu Quốc hội khẳng định quyền tiếp cận thông tin là quyền con người, quyền cơ bản của công dân, tạo ra niềm tin của người dân với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.
Về chủ thể cung cấp thông tin, một số ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định nếu chỉ có cơ quan Nhà nước là chưa đầy đủ. Thực tế cho thấy, công dân không chỉ cần thông tin từ cơ quan công quyền mà còn rất cần thông tin từ các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh |
Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng: “Chủ thể cung cấp thông tin được mở rộng thông tin được công khai, mnh bạch sẽ phòng chống tham nhũng, lãng phí, oan sai. Bởi lẽ việc công khai thông tin là giải pháp then chốt thực hiện nguyên tắc dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Do đó nếu dự thảo không quy định các chủ thể trên thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là không đảm bảo sự công bằng trong việc cung cấp thông tin, cũng như đảm bảo quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Hiến pháp 2013.”
Về đối tượng được cung cấp thông tin, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Đây là quyền con người nên đối tượng được tiếp cận thông tin không chỉ là người Việt Nam mà còn có người nước ngoài. Ở đây chúng ta mới chỉ quy định người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. Tuy nhiên, còn rất nhiều người nước ngoài sống ở nước ngoài cũng rất muốn được Việt Nam cung cấp thông tin để họ đầu tư, làm ăn. Ngoài ra còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người không quốc tịch. Chúng tôi đề nghị quy định rõ luôn trong luật.”
Các đại biểu cho rằng cung cấp thông tin cần với quan điểm công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ.
Trước đó, sáng 24/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Nhiều đại biểu cho rằng, với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 5 năm 2011-2015, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; dư nợ tín dụng tăng, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; niềm tin vào tiền đồng Việt Nam tăng lên… Phân tích những thách thức, cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, các đại biểu đề nghị giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cần có giải pháp thiết thực trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển giao thông để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, thảo luận về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020, các đại biểu bày tỏ lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra tại miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Một số đại biểu cho rằng việc dành diện tích thích đáng để phát triển rừng mới là giải pháp lâu dài để ngăn chặn tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiều đại biểu đề nghị trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới cần có sự quan tâm đúng mức để phát triển đất rừng. Ông Hoàng Ngọc Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, cho rằng: Chính sách bảo vệ, phát triển rừng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu rất cấp bách về môi trường và biến đổi khí hậu. Cần nghiêm túc đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu tăng độ che phủ rừng ở góc độ bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhiệm kỳ tới cần sửa đổi chính sách pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, cần tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về bảo vệ và phát triển rừng. Đây là vấn đề rất cấp bách tác động đến an nguy, sức sống của nền kinh tế.”