(VOV5) - Các hiệp định thương mại tự do này yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được quy định trong 8 công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, chuẩn bị tiến tới chính thức ký kết và sau đó là phê chuẩn.
Hiệp định CPTPP cùng với EVFTA có đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động. Ảnh:Uyên Viễn |
Cùng với Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì EV FTA là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với đặc điểm là nhấn mạnh đến quyền lao động, để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Các hiệp định thương mại tự do này yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được quy định trong 8 công ước cơ bản của Tổ chức lao động quốc tế (ILO).
Hiện Việt Nam đã phê chuẩn 5 công ước. 3 công ước còn lại Việt Nam đã xây dựng lộ trình phê chuẩn. Đó là Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức. Song song với đó là thúc đẩy tiến trình sửa đổi Bộ luật lao động.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cho rằng:Chúng tôi hy vọng là với chương trình nghị sự của Quốc hội trong năm tới thì những công ước cốt lõi này sẽ được thông qua, đặc biệt là những tiêu chuẩn quốc tế đối với Việt Nam. Tôi rất vui mừng là trong cuộc gặp giữa Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh vừa qua thì Bộ trưởng cho biết khả năng trong năm tới Quốc hội sẽ phê chuẩn bộ luật lao động mới và cuối năm sau cũng phê chuẩn công ước số 98. Nếu được như vậy thì đó là bước đi rất tích cực.
Theo lộ trình của Việt Nam, tháng 5/2019, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Bộ luật lao động sửa đổi để cho ý kiến sau đó sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019. Cũng trong năm 2019, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội phê chuẩn công ước số 98. Năm 2020 là công ước 105 và trước năm 2023 là công ước 87.