Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân

(VOV5)- Bản Hiến pháp là cả một quá trình làm việc rất công phu, phát huy trí tuệ của toàn đảng, toàn quân, toàn dân.

 

Với tỷ lệ 97,59% đại biểu Quốc hội tán thành, sáng nay, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá 13 đã chính thức thông qua Hiến pháp sửa đổi. Phát biểu tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi là sự kiện có tính chất lịch sử, mở ra thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Bản Hiến pháp lần này là kết quả của một quá trình làm việc tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, của đồng bào cử tri cả nước, các đơn vị, ngành, cấp với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Bản Hiến pháp sửa đổi với tinh thần đổi mới đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân.


Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân - ảnh 1

97,59% đại biểu Quốc hội có mặt ấn nút biểu quyết thông qua Hiến pháp

Về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết Quốc hội hết sức trân trọng và ghi nhận.

 

Theo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp được thông qua sáng nay, Hiến pháp sửa đổi được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

 

Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa 13 tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa 14 họp kỳ thứ nhất. Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa 14 bầu ra các cơ quan mới.

 

Những công việc đang được cơ quan Nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.

 

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và nhận định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp thu toàn bộ ý kiến các đại biểu Quốc hội trên tinh thần thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc.

 

Dự thảo Hiến pháp được thông qua đã được tiếp thu, chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đầy đủ và cẩn trọng đối với quá trình xem xét và qua nhiều vòng từ lấy ý kiến của toàn dân rồi thảo luận qua mấy kỳ họp Quốc hội và đến hôm nay thông qua bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là kết quả của sự nỗ lực của hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng lần sửa đổi lần này đã nâng tầm quan điểm của Hiến pháp đối với những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân đến những vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội ví dụ chúng ta đã đưa ra được tuyên ngôn về vấn đề an sinh xã hội, vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân, vấn đề học tập tối thiểu những chính sách cho người có công, người cao tuổi những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đối với lĩnh vực của tôi tôi cảm thấy yên tâm đối với những điều mà Hiến pháp đã xem xét sửa đổi sắp xếp lại và là căn cứ để sau này ban hành những pháp luật có liên quan. Còn đối với những lĩnh vực khác, điều luật còn lại các đại biểu quốc hội cũng đã thể hiện chính kiến của mình và tôi cho rằng đây là bản Dự thảo rất công phu.”

 

Nhiều đại biểu nhận định: Dự thảo có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng, đánh giá Ban soạn thảo đã tiếp thu những ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân đóng góp vào bản Hiến pháp. Đồng thời, Ban soạn thảo đã giải trình rõ những nội dung có ý kiến khác nhau của bản dự thảo: “Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, chắt lọc ý kiến của cử tri, đại biểu đưa vào bản Hiến pháp mới này. Đây là bản hiến pháp chứa đựng tinh hoa, chắt lọc ý kiến hay và là đạo luật gốc để sau này điều chỉnh một số luật khác cho phù hợp với tình hình mới hiện nay để củng cố, bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế.”

 

Hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập của đất nước, việc sửa đổi bổ sung bản Hiến pháp năm 1992 phù hợp với nguyện vọng, ý chí của nhân dân cả nước.


Dư luận hoan nghênh Quốc hội thông qua Hiến Pháp sửa đổi


Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiến pháp sửa đổi sáng nay, 28/11, nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của cử tri cả nước. Ông Đỗ Quang Tuấn, hiện đang sống tại tỉnh Thái Bình, cho rằng Hiến pháp sửa đổi được thông qua với tinh thần dân chủ, khoa học. Hiến pháp sửa đổi thể hiện được ý Đảng, lòng dân, làm rõ được các vấn đề căn bản như Bản chất nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước; vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cử tri Đỗ Quang Tuấn cho biết: “Sự đúng đắn của Hiến pháp giúp cho đất nước của chúng ta phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới và hy vọng rằng với sự đồng thuận cao trong Quốc hội đại diện cho cử tri của toàn quốc với quyết tâm chính trị cao và thực hiện đúng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì hy vọng rằng với bản Hiến pháp mới đất nước của chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn trong hiện tại và tương lai.”

 

Ông Tô Bá Trọng, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho rằng: Hiến pháp được thông qua lần này có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp cũng quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp và  một lần nữa khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đi lên của đất nước. Ông Tô Bá Trọng nhấn mạnh: “Quốc hội mất bao nhiêu công sức để có kết quả hôm nay, phải tổ chức thực hiện được đúng như thế. Đặc biệt việc tổ chức thực hiện nghị quyết Trung ương 4 của Đảng về việc chấn chỉnh Đảng trong tình hình mới, nhất là vấn đề chống tham nhũng ở nhiều cấp. Để làm sao Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là  Đảng lãnh đạo, xứng đáng với niềm tin của hàng triệu đồng bào đã hy sinh, hàng chục triệu đồng bào đang ra sức xây dựng đất nước, trở thành lực lượng đại diện cho giai cấp công nhân cho dân tộc Việt Nam.”

 

Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Tuân, Quận Hà Đông, Hà Nội, nhận định với 97,59% số phiếu tán thành việc khi thông qua Hiến pháp sửa đổi là một thành công, thể hiện ở ý chí nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề quan trọng của đất nước./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác