(VOV5) - Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Quang cảnh hội nghị. - Ảnh: baophapluat.vn |
Chiều 24/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam."
Các chuyên gia tham dự hội thảo đã trình bày và có bài viết giàu tính thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nêu lên những thách thức về các vấn đề pháp lý đối với Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng. Theo đó, các chuyên gia đặt vấn đề cần hiểu cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để từ xác định được những tác động đối với việc xây dựng chính sách pháp luật. Cùng với đó là chủ động chuyển đổi chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ; đổi mới tư duy xây dựng pháp lý; yêu cầu định hướng hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ; các mô hình kinh doanh mới; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng; xây dựng đô thị thông minh; xây dựng chính phủ điện tử...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng Thủ tướng cũng nêu ra các thách thức đối với Việt Nam về trình độ khoa học công nghệ có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng nhấn mạnh một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
"Một điều quan trọng khác là tư duy làm chính sách, pháp luật trong cách mạng công nghiệp 4.0. Xử lý các vấn đề mới cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới mà phải kịp thời nâng cao năng lực quản lý, theo kịp với những biến chuyển rất nhanh của tình hình mới".
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp tham mưu các giải pháp để đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp.