(VOV5) - Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu, tham dự diễn đàn.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. - Ảnh: Phóng viên VOV tại Trung Quốc |
Sáng 21/10, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu, tham dự diễn đàn. Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 diễn ra trong hai ngày 21-22/10, có chủ đề bao trùm là "Duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hoà bình tại châu Á-Thái Bình Dương”. Phát biểu tại phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề Quan hệ nước lớn và trật tự thế giới, Phó Tổng thư ký ASEAN Hoàng Anh Tuấn chia sẻ góc nhìn của ASEAN về quan hệ với các nước lớn, việc duy trì trật tự quốc tế và thúc đẩy hoà bình ở khu vực. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng thông báo các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN. ASEAN nhận thức rõ ràng rằng, hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực chỉ có thể đạt được nếu tất cả các quốc gia trong khu vực đồng lòng ủng hộ mục tiêu này. ASEAN đang và sẽ tiếp tục kêu gọi hoà bình hơn là chiến tranh, hợp tác hơn là cạnh tranh.
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ 2 với chủ đề Quản lý rủi ro về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho rằng: để quản lý tốt các rủi ro an ninh khu vực cần 4 yêu cầu, đó là: Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế cũng như trong giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng; Phát huy trách nhiệm của các nước lớn; Phát huy tốt vai trò, hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong xây dựng lòng tin và quản lý an ninh khu vực; Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Đặc biệt là việc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế; nghiêm chỉnh chấp hành Hiến chương Liên hợp quốc, các nghị quyết của Hội đồng bảo an, thỏa thuận tại cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh quốc tế và khu vực.
Liên quan đến Biển Đông, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý tốt sẽ tác động đến hòa bình, ổn định tại khu vực, làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực hợp tác của khu vực. Lập trường của Việt Nam là ủng hộ và bảo vệ quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: "Chúng tôi cho rằng, sự khác biệt giữa các bên tranh chấp là điều khó tránh khỏi, nhưng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích hợp pháp của mỗi nước với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển, vì lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực".
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định an ninh, ổn định của Trung Quốc và các nước ASEAN không thể tách rời nhau. Chính vì vậy, hai bên luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ, hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác quốc phòng, an ninh là trụ cột quan trọng.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày ra đời của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Việt Nam đề nghị ASEAN và các nước đối tác cùng nhau xây dựng tầm nhìn chiến lược về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, làm cơ sở định hướng cho những khuôn khổ, mục tiêu hợp tác trong thời gian tới, vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hữu nghị và thịnh vượng, trở thành hình mẫu về hợp tác trên toàn thế giới.