(VOV5) - Để đảm bảo hiệu quả đầu tư một số tuyến đường chưa đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch, việc phân kỳ đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo là phù hợp, cần thiết.
Sáng nay (21/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đường bộ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: quochoi.vn |
Một nội dung được đề cập trong dự thảo là ngoài các chính sách ưu tiên các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; xây dựng cơ chế để đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội; các phương thức đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng ... việc cho phép không tính giá trị tài sản công là kết cấu hạ tầng đường bộ là một hướng đi hết sức đúng đắn, trên cơ sở đúc rút các kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tổ chức đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bộ.
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế khi triển khai các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước khó khăn, cần huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả đầu tư một số tuyến đường chưa đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch, việc phân kỳ đầu tư theo hình thức đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo là phù hợp, cần thiết.