Từ người chống cộng cực đoan đến người nhiệt thành với Nghị quyết số 36/NQ-TW về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Chính trị, từ người giữ hận “tháng tư đen” đến người nhận ra hoa trái lâu dài của ngày 30-4-1975,… đó là quá trình rất khó khăn trong nhận thức, hành động mà luật sư Hoàng Duy Hùng - một người Mỹ gốc Việt, đã trải qua trong gần nửa thế kỷ. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước (1975-2020), từ nước Mỹ, luật sư Hoàng Duy Hùng gửi đến Báo Nhân Dân bài viết kể lại những gì ông đã trải qua, đồng thời trình bày suy nghĩ của ông về ngày 30-4-1975, về công cuộc xây dựng đất nước. Báo Nhân Dân giới thiệu bài viết này để bạn đọc tham khảo, đồng thời hiểu thêm, có sự chia sẻ với một người Việt Nam đang sống ở nước ngoài đã tự thay đổi, khắc phục sai lầm, từ đó có những hành động góp phần vào sự phát triển của quê hương.
Luật sư Hoàng Duy Hùng, một người Mỹ gốc Việt.
(Kỳ 1)
45 năm qua, vào mỗi dịp 30-4, cảm tưởng và suy nghĩ của tôi lại thay đổi, vì phụ thuộc vào suy nghĩ của tôi trong từng thời kỳ, gắn với tình hình mọi mặt tại Việt Nam, rồi tình hình thế giới, tình hình cộng đồng gốc Việt ở Mỹ, nơi tôi sinh sống và làm việc… Vì thế, đó không phải là điều dễ dàng mà là một hành trình gian khổ. Là con của một sĩ quan “quân lực Việt Nam cộng hòa”, lớn lên dưới chế độ “Việt Nam cộng hòa”, nên lúc đầu suy nghĩ của tôi là suy nghĩ của một người chống cộng, thậm chí còn có xu hướng căm hận, đó là điều khó tránh khỏi. Và tôi đã đi từ chống cộng cực đoan đến khi nhận ra được hoa trái lâu dài của ngày đất nước thống nhất năm 1975. Quá trình đó đòi hỏi một cố gắng như “vắt tim, vắt não, vắt gan”, và phải chấp nhận bị nhiều người trước đây là bạn bè hoặc bị “chiến hữu” coi là kẻ phản bội, thậm chí có người thù tôi còn hơn cả thù cộng sản. Về phần mình, tôi cho rằng “cuộc chơi” nào cũng có luật chơi riêng của nó, nên đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận mọi hệ quả.
Tháng 3-1975, tôi 13 tuổi và đang là chủng sinh trong Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ngày 11-3, Buôn Ma Thuột thất thủ. Trong khi pháo của xe tăng T54 đang bắn dậy đất thì loay hoay thế nào mà mu bàn tay phải của tôi lại bị đứt, máu chảy đầm đìa. Tôi vội chạy vào nhà tắm lấy khăn quấn bàn tay. Quân giải phóng tràn vào Tiểu chủng viện, rồi tập họp các chủng sinh nhỏ tuổi như tôi trong rừng cao-su, dặn dò chúng tôi về với gia đình. Tuy chưa gặp gia đình, nhưng trong thâm tâm tôi biết gia đình tôi đã di tản, chắc chắn đi hướng Nha Trang để về Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), nên tôi đứng dậy hỏi có bạn nào đi cùng với tôi về Sài Gòn không. Một anh bộ đội nhắc tôi không được hô hào như vậy, vì “Sài Gòn chưa được giải phóng”. Mặc anh bộ đội la mắng, tôi vẫn lững thững một mình đi bộ hướng về phía Nha Trang.
Tôi đi, trong khi bàn tay chảy máu đầm đìa được bọc bởi chiếc khăn tắm, đến nay vết sẹo vẫn còn. Lúc đói quá, tôi vào buôn của đồng bào Ê Đê xin nước và đồ ăn, nhưng họ chỉ có nước, không có đồ ăn nên tôi phải mót nhặt khoai lang khô rơi vãi trên đường ăn cho đỡ đói. Đi một mình trên quốc lộ, bỗng thấy có nhiều thanh niên chạy từ rừng cao-su ra, họ bảo muốn đi cùng với tôi. Đó là quân nhân của “quân lực Việt Nam cộng hòa” thất trận, phải lột bỏ hết quân phục, thấy tôi dám can đảm đi một mình thì họ an tâm, nên cùng nhập bọn. Trải qua đói khát, gian khổ, cuối cùng tôi cũng gặp lại gia đình, cùng cả nhà băng rừng, rồi được trực thăng cứu giúp trên đỉnh núi Khánh Dương đưa về Đồng Đế, sau đó đi xe buýt về Nha Trang. Nha Trang thất thủ, cả gia đình tôi đi bộ đến Cam Ranh. Cầu trên quốc lộ 1 đoạn Cam Ranh đã bị đánh sập, đường bị tắc, cả gia đình tôi lại đi bộ trở về Nha Trang, âm thầm thuê thuyền đánh cá vào Vũng Tàu. Lần đầu đi thuyền trên biển, bị sóng nhồi, tôi ói mật xanh mật vàng, đến Vũng Tàu tôi còn xây xẩm, quay cuồng suốt tuần. Trung tuần tháng 4, ba tôi đưa gia đình vào Sài Gòn, thuê một căn nhà ở tạm, tôi cùng thành viên trong gia đình đi bán vé số, kiếm tiền sống qua ngày.
Chiều 29-4, thời tiết rất oi bức, hai anh trai rủ tôi đến cư xá Thanh Đa ngủ, vì nghĩ rằng ở lầu cao sẽ mát hơn. Đến cư xá Thanh Đa, đứng trên lầu tôi thấy xa xa ở hướng Biên Hòa tiếng pháo nổ và khói lửa. Tôi hiểu là Sài Gòn sắp thất thủ. Bỗng khoảng 8 giờ tối, ba tôi xuất hiện, ông bảo mấy anh em tôi về gấp với lý do “Má tụi bay bị bệnh, về ngay”. Vừa về đến nhà, tôi thấy có hai chiếc xe lambretta đã đậu sẵn, đồ đạc chất đầy, ba tôi bảo ba anh em tôi bám lên xe, leo lên trần, và đi. Xe lambretta chạy ra bến Bạch Đằng, đường sá vắng tanh. Trên đường, ba tôi và cậu tôi mở đài thấy có lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu các “quân nhân Việt Nam cộng hòa” buông súng...
Tới bến Bạch Đằng, một quang cảnh hỗn loạn diễn ra trước mắt tôi. Không biết bao nhiêu xe gắn máy và xe lambretta để ở đó, vứt bừa bãi lung tung vì ai nấy đang lo tìm cách leo lên tàu để di tản. Tôi thấy người ta chen chúc nhau lên tàu lớn HQ504, nhiều người rớt xuống nước vì bị chen lấn. Tiếng la, tiếng gọi, tiếng khóc, tiếng gào, tiếng nấc thật bi ai, não nề. Đúng là quang cảnh của một thể chế sụp đổ! Tôi nhớ có ai đó nói với tôi rằng HQ504 là chiếc tàu cuối cùng, không lên được thì coi như sẽ bị kẹt lại. Cậu tôi là lính của “hải quân Việt Nam cộng hòa” nói với ba tôi có chỗ trên tàu HQ08. Theo cậu, HQ08 đã hỏng nhưng “hải quân Việt Nam cộng hòa” mới gấp rút sửa được hai trong bốn máy và trong tình thế nguy nan có thể dùng di tản. Nhờ có cậu tôi can thiệp, cả nhà tôi đã lên tàu HQ08, rời bến Bạch Đằng khoảng 3 giờ sáng 30-4. Vì bị chết hai máy, nên khi đến Thái Bình Dương, tàu HQ08 chạy theo hình chữ Z, lẽo đẽo gần 10 ngày cũng tới được hải phận của Philippines (Phi-li-pin).
Gần đến vịnh Subic (Xu-bích) thuộc hải phận Philippines, tàu HQ08 phải hạ “cờ vàng” xuống. Khi trên tàu làm nghi thức hạ cờ, ai nấy khóc ròng vì biết số phận của “Việt Nam cộng hòa” tới đó đã hết. Tôi cũng khóc, khóc nức nở khi “cờ vàng” kéo xuống, lòng tôi căm hận cộng sản tột độ, tôi cầu nguyện và thề khi lớn lên sẽ tham gia tìm cách lật đổ cộng sản, hành động mà lúc đó tôi gọi là “cứu quê hương thoát khỏi ách bạo tàn”! Thế đó, cảm xúc trong ngày 30-4 đầu tiên của tôi là nỗi buồn và nỗi hận cộng sản. Gia đình tôi được đưa từ tàu HQ08 sang tàu lớn của Mỹ. Khác với HQ08 chạy dích dắc chậm như rùa, tàu lớn của Mỹ đi nhanh đến đảo Guam (Guy-am). Ở Guam vài tháng chỉ ăn chơi, xem phim, học tiếng Anh, đối với tôi là thời gian đẹp của tuổi thơ, vì tôi hồn nhiên, không lo âu. Nhưng tôi biết ba mẹ tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì thấy tương lai vô định, không biết khi tới Mỹ sẽ phải làm gì, sinh sống như thế nào. Sau, do Giáo xứ Sacred Heart (Thánh tâm) ở Reading (Rét-đinh) đứng ra bảo lãnh, gia đình tôi đến định cư ở Pennsylvania (Pen-xi-va-ni-a - Mỹ). Ba tôi làm công việc lau dọn trong bệnh viện, đồng lương thấp nhất, như mọi công nhân làm công việc tay chân ở Mỹ. Anh đầu của tôi học rồi làm nghề rửa phim ảnh, lương khá hơn một chút. Tôi và các anh chị em khác đi học, dần dà tôi học xong đại học.
Nhớ thời gian đầu đi học, vì tôi là học sinh da vàng duy nhất trong trường, nên hay bị học sinh Mỹ trắng trêu chọc và đấm đá. Mỗi lần tôi đi vào phòng vệ sinh thì cả chục người bu lại đánh rồi cười ha hả. Đến giờ chơi thể thao, họ ném bóng bầu dục (bóng đá kiểu Mỹ, người miền nam thường gọi là banh cà na) cho người khác, giả vờ bắt hụt và ngã lên người tôi, xong cả chục người nhảy lên đè. Tôi tức lắm, nghĩ đánh với cả bọn thì tôi không lại, nhưng riêng lẻ thì có thể. Tôi chọn đối tượng, đã đánh thì phải đánh kẻ to con, đánh cho bị thương thì những đứa khác mới sợ. Một hôm ra sân chơi, anh chàng Mỹ trắng to con làm quarterback (người ném bóng bầu dục) vừa lấy tay định hất đầu tôi, tôi liền né sang một bên, đạp chân nhảy lên kẹp cổ, rồi ngã người ra để anh ta ngã theo. Thế là tôi đã ở trên đầu anh ta, và nắm tay lại, đánh túi bụi vào mặt giữa tiếng reo hò của đám học sinh nữ người Mỹ. Tôi đánh anh ấy làm cho máu chảy đầm đìa, đến lúc đó thì học sinh nữ người Mỹ người nào người ấy khiếp vía, la hét, khóc lóc kêu cứu. Bà sơ hiệu trưởng vội chạy đến gọi bảo vệ tách tôi ra, bắt tôi đứng giữa trường mắng thậm tệ, nói rằng tôi là kẻ vô ơn, gia đình tôi đã được giáo xứ bảo trợ cưu mang mà còn đánh gây thương tích cho học sinh trong giáo xứ. Bà nói một câu mà tôi nhớ cả đời: “You want kungfu, I kungfu you” (Cậu muốn đánh nhau, tôi đánh nhau với cậu). Và chiều hôm đó tôi bị cha đánh gãy mấy cái cán chổi vì tội đã làm xấu hổ gia đình. Tôi chịu trận đòn, không kêu, không khóc, vì tôi biết tôi phải làm vậy để tự bảo vệ. Từ hôm đó, không một học sinh Mỹ trắng nào dám đứng gần tôi, vì lo không biết sẽ ăn đòn lúc nào, và cũng không có ai dám bắt nạt tôi nữa!
Đầu năm 1986, tôi tham gia “mặt trận Việt Nam tự do” với quyết tâm “lật đổ chế độ cộng sản bạo tàn”. Mỗi năm tháng Tư về thì tôi lại gọi đó là “tháng tư đen”, coi 30-4 là “ngày quốc kháng” và mong muốn “toàn dân đứng lên kháng cộng”. Hầu như năm nào cũng thế, đến 30-4 là tôi lại cùng các bạn tổ chức “đêm không ngủ” để hàn huyên tâm sự nỗi nhớ quê hương, rồi khích lệ nhau giữ tinh thần chống cộng để ngày càng vững tâm; bởi chúng tôi nghĩ rằng, không bao lâu nữa chế độ cộng sản ở trong nước sẽ phải sụp đổ! Cuối năm 1990, tôi được tổ chức chống cộng mà tôi tham gia cử về nước hoạt động xây dựng cơ sở với mục tiêu lật đổ nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Khi bị công an Việt Nam bắt, tôi không phủ nhận việc mình đã làm, sẵn sàng ra tòa, chấp nhận mọi hình phạt, vì tôi quan niệm dám làm dám chịu, dám chơi dám nhận. Tôi bị biệt giam hơn 15 tháng, đón 30-4 hai lần ở nơi biệt giam, đó là 30-4 các năm 1992, 1993. Hai lần thấy cán bộ, nhân viên quản giáo kỷ niệm ngày giải phóng trong hớn hở vui tươi, còn mình thì hẩm hiu một mình nơi biệt giam, tôi rất tức tối. Vì vậy, sau khi được trả tự do trở về Mỹ, tôi đã thành lập tổ chức chính trị mới, với quyết tâm “giải thể chế độ cộng sản Việt Nam”!
(Còn nữa)
HOÀNG DUY HÙNG HOUSTON NGÀY 5-4-2020
Theo nhandancom.vn