(VOV5) - Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7
|
Hôm nay (10/05), ngày làm việc thứ 4 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội lần này, cho rằng đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, có tính thực tiễn và khả thi cao. Nội dung đề án thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một Đề án lớn, cần được triển khai đồng bộ với nhiều đề án, chương trình khác, mới đảm bảo sự thành công. Các ý kiến tập trung phân tích những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đề ra, đặc biệt là việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, bảo đảm cân đối thu chi bền vững của quỹ.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ Trưởng Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội, nêu ý kiến: “Muốn phát triển được bảo hiểm xã hội thì phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay chúng ta còn 15,6 triệu số hộ kinh doanh cá thể, thời gian tới phải tập trung cao phát triển bảo hiểm xã hội trong lực lượng này; ban hành chính sách nâng cao tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội và đồng thời Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người khó khăn có thể tham gia bảo hiểm xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Hiện nay nhà nước đang thực hiện chủ trương đối với hộ nghèo hỗ trợ 30%, hộ cẬn nghèo 25% và người bình thường 10% để tham gia bảo hiểm xã hội”.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Việc này nhằm hướng tới nhiều mục tiêu như đối phó với già hóa dân số, biến đổi của thị trường lao động, đảm bảo cân đối quỹ Bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu nhấn mạnh BHXH là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.