(VOV5) - Đây là diễn đàn để các học giả trong nước và quốc tế chia sẻ công trình khoa học, kết quả nghiên cứu mới về lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng về mật mã, an toàn thông tin.
Ngày 28/4, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng mật mã và an toàn thông tin - CryptoIS 2022” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Đây là diễn đàn để các học giả trong nước và quốc tế chia sẻ công trình khoa học, kết quả nghiên cứu mới về lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng về mật mã, an toàn thông tin.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Bộ TT&TT |
Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số, các cuộc tấn công vào hệ thống mạng, đánh cắp thông tin, làm lộ lọt, xuyên tạc thông tin… đang diễn ra phức tạp, gây thiệt hại lớn cho mỗi quốc gia. Vì vậy, vấn đề bảo mật và an toàn thông tin càng trở nên cấp bách.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, Việt Nam cần phát triển phần mềm an toàn thông tin theo khung chuẩn về an toàn quốc tế DevSecOps (viết tắt của Development - phát triển, Security - bảo mật và Operations - vận hành); đảm bảo an toàn thông tin theo các cấp độ ưu tiên; thực hiện giám sát an toàn thông tin; đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình giải pháp 4 lớp. Đồng thời, các hệ thống an toàn thông tin trước khi vận hành cần được kiểm tra, đánh giá cẩn thận, nghiêm túc bởi cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về an toàn thông tin hoặc doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn kiểm định được cấp phép trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Việt Nam cần triển khai các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân tổng hợp và phòng, chống mã độc tập trung.