(VOV5) - Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc
|
Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Góp ý Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, các đại biểu cho rằng: Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội thông qua Đề án phát triển xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, điểm mới của Đề án là Quốc hội ban hành chính sách và sau đó bố trí nguồn lực đảm bảo cho Đề án hoạt động có hiệu quả.
Ông Nguyễn Phước Lộc, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: "Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Đề án tổng thế phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn sẽ đảm bảo nhất quán các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Thực sự là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ cho toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển; phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời phát huy tinh thần tự lực, nâng cao đời sống đồng bào gắn với các chính sách phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc".
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
|
Các đại biểu cũng cho rằng: Nhà nước, Chính phủ cần quan tâm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức thiết nhất hiện nay của vùng dân tộc thiểu số và ban hành chính sách phải đi đôi với nguồn lực thực hiện. Việc thực hiện như thế nào để cùng với các nguồn lực của nhà nước, xã hội đầu tư phải khơi dậy được tính tự chủ, coi người dân là trung tâm thì Đề án mới thực sự đạt được hiệu quả và thu được kết quả như mong đợi. Bà Hoàng Thị Thu Trang, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng: "Tôi đồng tình rất cao với các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án nêu ra để phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đảng, Nhà nước phải đánh thức được tiềm năng, phát huy được lợi thế so sánh của vùng, giúp đồng bào khơi dậy được nội lực; làm giàu, làm chủ trên mảnh đất của mình. Trong các nhiệm vụ đó thì thôi cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông và thông tin kết nối; phát triển nguồn nhân lực và tạo sinh kế thu nhập là quan trọng bậc nhất".
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước và việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.