Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

(VOV5) - Sáng 13/06, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đăng đàn trước Quốc hội làm rõ hơn một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đồng thời lắng nghe và trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến các vấn đề lớn trong mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chỉ đạo, điều hành nền kinh tế cũng như các vấn đề nóng mà cử tri đang quan tâm.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII - ảnh 1


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát, làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, khẳng định nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt nhiều kết quả trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Một là tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hai là thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Ba là, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam . Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

 

Báo cáo giải trình về một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Về chính sách giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tuy ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng lĩnh vực giảm nghèo vẫn tiếp tục được ưu tiên bố trí nguồn lực nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ:Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình giảm nghèo đến năm 2020 theo hướng toàn diện hơn với chuẩn nghèo đa chiều. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông lâm ngư...; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn gắn với xây dựng nông thôn mới.

 

Trong sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được một loạt các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký một loạt Hiệp định thương mại tự do, song phương và đa phương, giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, công tác phòng chống tham nhũng, giải pháp sử dụng hiệu quả và đảm bảo an toàn nợ công....Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng về các giải pháp đảm bảo công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vừa qua đã đề ra 8 biện pháp lớn đó là Đảng, Nhà nước sẽ lãnh đạo chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiếp tục xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng, kết hợp điều tra truy tố xét xử, thanh tra, kiểm tra xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng đã và sẽ phát hiện:Đặc biệt xây dựng thể chế để làm sao không thể không nên không dám tham nhũng, trong thời gian tới. Cùng với các biện pháp khác như là tuyên truyền vận động nhân dân hợp tác quốc tế và quan trọng là phát huy vai trò cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc trong việc phát hiện đối tượng tham nhũng để làm nghiêm.

 

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận kết thúc phần trả lời chất vấn của mình trước Quốc hội, tập trung vào những nội dung như: việc biên soạn chương trình sách giáo khoa mới, phân luồng hướng nghiệp, trường chuyên lớp chọn, việc đánh giá học sinh tiểu học.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác