Từng chứng kiến sự tàn bạo của bè lũ Pol Pot - Ieng Sary, Đại tá Nguyễn Dĩnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, cựu quân tình nguyện thuộc Cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh 719, không khỏi xúc động khi nhớ về những ký ức của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Ông nói rằng, chứng kiến cảnh Pol Pot tàn sát người dân, không ai có thể cầm lòng bởi nó nằm ngoài sức tưởng tượng của con người.
|
Đại tá Nguyễn Dĩnh |
PV: Sự kiện xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot là kết quả của liên minh đoàn kết chiến đấu xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế trong sáng của hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Dĩnh: Đúng vậy, chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam gắn liền với chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia.
Sau khi tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary chiếm được Phnom Penh, chúng đã thực thi một chế độ tàn khốc đối với nhân dân Campuchia, giết hại biết bao nhiêu người dân nước này. Theo thống kê, khoảng 3 triệu người dân Campuchia đã bị chúng sát hại; chùa chiền, nhà thờ, trường học, bệnh viện… bị chúng phá tan, để thực hiện kế hoạch một đất nước không có tiền bạc, chợ búa, học hành.
Pol Pot là người Campuchia nhưng đã thực thi chính sách diệt chủng đối với chính dân tộc mình, đồng thời còn mở một cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam, sát hại rất nhiều đồng bào Việt Nam ở khu vực biên giới. Pol Pot không chỉ là kẻ thù của người dân Campuchia mà của cả người dân Việt Nam.
Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với các lực lượng của Mặt trận đoàn kết dân tộc yêu nước Campuchia làm nên chiến thắng ngày 7/1/1979.
Nên có thể nói, chiến thắng đó có sự gắn kết giữa chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot. Chiến thắng này là chiến thắng chung của hai dân tộc, với sự đóng góp chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng Mặt trận đoàn kết dân tộc yêu nước Campuchia.
PV: Thời điểm chúng ta nhận lời giúp Campuchia đánh đuổi Pol Pot, từng xuất hiện những quan điểm thiếu khách quan về cuộc chiến này?
Đại tá Nguyễn Dĩnh: Thời điểm đó, đã có những quan điểm nói rằng không hiểu tại sao Việt Nam lại giúp Campuchia đánh đuổi Pol Pot. Phải nói thế này, không chỉ gây ra nạn diệt chủng với người dân, đất nước Campuchia, Pol Pot đã tấn công đảo Phú Quốc của ta vào ngày 3/5/1975 - chỉ 3 ngày sau khi chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975). Thất bại, ngày 7/5, chúng tiếp tục tấn công đảo Vai; ngày 10/5, tấn công và chiếm đảo Thổ Chu trong một thời gian, tàn sát 500 người dân Việt Nam sinh sống trên đảo này.
Tiếp đó đến cuối năm 1975 và cả năm 1976, chúng tiếp tục gặm nhấm, chiếm dần và gây rất nhiều tội ác ở vùng biên giới của ta, trong đó đặc biệt phải nói tới vụ tàn sát ở Tân Lập, Tây Ninh; vụ tàn sát ở Ba Chúc, An Giang và nhiều nơi khác ở vùng biên giới.
Sang năm 1977, dã tâm, ý đồ đánh chiếm một số vùng đất của Việt Nam của Pol Pot càng rõ hơn, chúng tập hợp lực lượng cấp sư đoàn để tiến đánh, đến cuối năm 1977, chúng đã triển khai 10 sư đoàn đánh toàn tuyến biên giới của ta.
Trước tình thế đó, việc chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là quyết định hết sức khó khăn, đây là cuộc chiến tranh không mong đợi, bắt buộc chúng ta phải cầm súng. Đặc biệt, sau khi nắm được thông tin từ chính những người từng tham gia lực lượng Pol Pot nổi dậy chống lại chúng, chúng ta đã thấy rõ đây là một âm mưu, một kế hoạch chiến lược đã có văn bản, nghị quyết của Pol Pot. Ban đầu chúng định chiếm Tây Ninh, rồi đánh chiếm từ Sài Gòn trở vào cho đến hết Nam bộ.
Một lý do nữa khiến chúng ta không thể ngồi yên bởi Campuchia cũng đã có thời gian kề vai sát cánh với Việt Nam chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hai nước đã cùng chung chiến hào với nhau.
Nếu để bảo vệ Việt Nam, chúng ta chỉ việc đánh bật Pol Pot ra khỏi biên giới là hoàn thành. Nhưng nếu chúng ta tiêu diệt toàn bộ chế độ Pol Pot, nguồn gốc của sự diệt chủng, của sự gây chiến thì biên giới Tây Nam của ta mới được bình yên.
PV: Quân đội và nhân dân ta vừa trải qua 2 cuộc kháng chiến rất lớn, ngay sau đó lại phải đối mặt với Pol Pot, tinh thần của quân đội ta lúc đó ra sao, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Dĩnh: Thực sự, sau cuộc chiến tranh, ai cũng chỉ muốn về nhà, để được sống yên bình bên những người thân. Được ra khỏi chiến tranh là một sự phấn khởi lớn. Nhưng tình thế buộc chúng ta phải cầm súng, phải chiến đấu để chống lại kẻ thù. Sau các cuộc chiến tranh lớn, kéo dài đã khiến chúng ta hao tổn về sức người, sức của, cần phải hồi phục, thì chúng lại lợi dụng thời điểm này để đánh chúng ta.
Với lực lượng quân đội vừa giải phóng miền Nam, chúng ta sẵn sàng tiêu diệt và sẵn sàng đè bẹp bất cứ thế lực nào nếu động chạm đến lãnh thổ, đến an ninh biên giới của chúng ta chứ không chỉ riêng Pol Pot.
|
Đại tá Nguyễn Dĩnh: Sự tàn bạo của Pol Pot ngoài sức tưởng tượng của con người |
PV: Sau chiến thắng ngày 7/1/1979, chúng ta còn ở lại nước bạn tới 10 năm nữa để giúp bạn, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Dĩnh: Khi ta cùng với bạn giải phóng Phnom Penh, quân tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng Pol Pot vẫn bố trí 19 sư đoàn tập trung ở biên giới, còn lại một số ít trong nội địa, chúng chạy dạt chủ yếu vào vùng rừng núi phía Tây, Tây Bắc Campuchia.
Khi đó, cả chính quyền và quân đội Campuchia đều còn non trẻ chưa thể tự bảo vệ được đất nước, nên Nhà nước Campuchia đề nghị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ở lại giúp họ bảo vệ đất nước không cho Pol Pot quay trở lại. Bởi thực tế chúng đã quay lại đánh phá một số nơi, tiếp tục tàn sát dân, đánh vào chính quyền Campuchia.
Nếu chúng ta không ở lại là bỏ mặc bạn bè, người dân nước bạn sẽ lại rơi vào cảnh đầu rơi máu chảy. Theo đề nghị, kêu gọi của chính quyền Campuchia lúc đó, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ở lại Campuchia thêm 10 năm.
Trong 10 năm đó, chúng ta giúp bạn đánh đổ hoàn toàn chính quyền của Pol Pot. Có thể nói, trên toàn bộ đất nước Campuchia, không còn hình bóng của chế độ diệt chủng Pol Pot.
Chúng ta cũng giúp bạn xây dựng đất nước từ làng xã, thôn xóm lên đến trung ương. Thời điểm đó, nườm nượp các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực từ quân sự, nông nghiệp, báo chí, y tế… được điều động từ Việt Nam sang. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải tiếp tục huấn luyện xây dựng quân đội Campuchia mạnh lên để họ có thể tự bảo vệ đất nước mình.
Có thể nói, 10 năm đó, chúng ta đã chấp nhận rất nhiều hy sinh, hàng vạn cán bộ chiến sĩ của ta đã hy sinh. Đến giờ vẫn còn khoảng 3.000 quân tình nguyện Việt Nam chưa tìm được hài cốt. Đối với các gia đình liệt sĩ, đối với đất nước, đây thực sự là nỗi đau quá lớn, nhưng chúng ta không thể không giúp bạn!
PV: Xin cảm ơn Đại tá./.