(VOV5) -Luật Cán bộ, công chức (CBCC) được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, năm 2008 và kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Viên chức.
Chiều 24/5, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua năm 2015. Hai Luật này cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về Chính phủ và chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương các cấp.
Phiên họp Quốc hội ngày 24/05. - Ảnh quoihoi.vn |
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Dự án Luật sửa đổi tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế hành chính nhà nước: "Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa và cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.
Ủy ban Pháp luật tán thành đề nghị của Chính phủ, trong lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước."
Luật Cán bộ, công chức (CBCC) được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, năm 2008 và kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Viên chức. Quá trình thực hiện cho thấy, về cơ bản các quy định trong Luật CBCC và Luật Viên chức phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế. Một trong những đề xuất chính sách mới của dự án Luật là bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức để tạo cú hích trong môi trường làm việc.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng:" Việc ký hợp đồng xác định thời hạn làm việc sẽ là động lực cho người viên chức nỗ lực trong việc thực hiện công việc của mình để đạt hiệu quả hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình tốt nhất. Từ đó họ sẽ được ký hợp đồng làm việc tiếp theo và cũng xóa bỏ tâm lý về sức ì, tâm lý viên chức suốt đời. Thứ hai, cơ quan đơn vị sử dụng người lao động được ký hợp đồng có thời hạn sẽ có sự linh hoạt và thuận lợi hơn trong việc lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí làm việc, nhu cầu công việc. Và cũng sẽ làm cho bộ máy chuyển biến mạnh hơn về hiệu quả công việc."
Các đại biểu cũng đề nghị Dự án Luật bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách bảo đảm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.