(VOV5) - Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, sáng nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu đồng tình với quy định mức dự phòng từ 2 -4% trong tổng chi của mỗi cấp ngân sách là hợp lý, đồng thời dự phòng ngân sách chỉ được chi cho việc phòng chống khắc phục thiên tai thảm hoạ, dịch bệnh, cứu đói, đây là những công việc đột xuất có tính chất cấp bách.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Các đại biểu thống nhất giao thẩm quyền cho Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình và báo cáo với cơ quan dân cử cùng cấp tại kỳ họp gần nhất. Về thời gian luật có hiệu lực và điều khoản chi tiết, các đại biểu đề nghị Luật nên có hiệu lực vào năm 2016 để đảm bảo tính đồng bộ với Luật đầu tư công, cũng là năm đầu của quá trình ổn định ngân sách Nhà nước.
Tại phiên làm việc chiều nay, Quốc hội thảo luận Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Thảo luận về Dự án Luật tạm giữ, tạm giam, các đại biểu cho rằng: việc ban hành dự án Luật đảm bảo các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp với Hiến phắp năm 2013. Thảo luận ở tổ chiều nay, các đại biểu cũng nhất trí với việc giữ nguyên tên dự án Luật là Luật tạm giữ, tạm giam để bao quát hết phạm vi các nội dung mà dự án Luật điều chỉnh; đề nghị xác định rõ mô hình hệ thống các cơ quan quản lý Nhà tạm giữ, Trại tạm giam; Các ý kiến cũng đề nghị dự án Luật cần quy định cụ thể cả về quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam trong việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam./.