(VOV5) - Chiều 29/05, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giáo dục quốc phòng-an ninh.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung đánh giá các vấn đề về phổ biến quốc phòng an ninh trong nhà trường và phổ biến giáo dục quốc phòng trong toàn dân. Về giáo dục quốc phòng an ninh trong nhà trường, ý kiến nhiều đại biểu nhất trí với việc giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở nên thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa.
Đại biểu Lê Hiền Vân đoàn Hà Nội cho rằng giáo dục quốc phòng - an ninh cho công dân có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng -an ninh của mỗi quốc gia. Việc quy định giáo dục quốc phòng và an ninh trong nhà trường là phù hợp. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Ngô Thị Minh, đoàn Quảng Ninh, cho rằng:“Tôi đề nghị giáo dục quốc phòng an ninh trong trường tiểu học và trung học cơ sở cần được thức hiện lồng nghép thông qua hoạt động của đội thiếu niên tiền phong và đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Tôi xin đề nghị sửa lại điều 10 như sau: giáo dục an ninh và quốc phòng trong trường tiểu học và trung học cơ sở được thực hiện lông ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình kết hợp với hoạt động ngoại khóa và hoạt động của đội thiếu niên tiền phong và của đoàn thanh niên phù hợp với lứa tuổi để hình thành cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc”.
Một số đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần xác định rõ các phạm trù như: phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục quốc phòng-an ninh để phù hợp với từng đối tượng cụ thể; Cần có chương trình đào tạo riêng, phù hợp với từng đối tượng là học sinh, sinh viên trong nhà trường hay cán bộ, công chức.v.v.
Trước đó, sáng 29/5, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự án Luật này tập trung sửa đổi một số nhóm vấn đề như bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi. Đáng chú ý, để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020, Dự thảo quy định từ 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%, thay vì 25%. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.
|
Góp ý kiến về Dự án Luật, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình về lộ trình giảm thuế song đề nghị áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20% từ ngày 1/7/2014. Điều này sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh cũng như phù hợp với xu thế trong khu vực. Ông Đỗ Văn Vẻ, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, nêu ý kiến: “Hiện nay và một vài năm tới, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn và tới đây khi thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp đang hoạt động phải xử lý gánh nặng về tài chính như là hệ luỵ của giai đoạn phát triển nóng vì vậy nếu ta đưa ngay xuống 20% thì sẽ động viên doanh nghiệp, khoan thư được sức dân. Nhà nước cùng doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, tạo động lực và niềm tin cho doanh nghiệp. Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp có vồn đầu tư nước ngoài vừa phải vươn ra quốc tế, chính vì vậy tôi đề nghị nên giảm xuống mức thuế 20% và sẽ giảm tiếp xuống 18% vào những năm sau, không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Có như vậy chúng ta mới bảo đảm được bình đẳng trong cạnh tranh.”
Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật tiếp công dân../.