(VOV5) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Nhìn nhận tổng quan, các ý kiến ghi nhận trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ nỗ lực điều hành, Quốc hội giám sát chặt chẽ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã phấn đấu để đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm Chính phủ cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong lĩnh vực xoá đói, giảm nghèo, ông Nguyễn Đức Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn đến mục tiêu này, đặc biệt cần ban hành cơ chế đặc thù giải quyết khó khăn về sản xuất, đời sống cho người dân bị thu hồi đất bởi xây dựng các công trình thuỷ điện: “Qua giám sát chúng tôi thấy Việt Nam có khoảng 1 nghìn công trình thuỷ điện lớn nhỏ. Người dân còn nhiều khó khăn. Vấn đề ở đây là làm sao giảm thiểu được nghèo đói ở vùng tái định cư do xây thuỷ điện. Tôi đề nghị cần bổ sung thêm nhiệm vụ ban hành cơ chế đặc thù cho vùng này. Cuối năm nay đề nghị Chính phủ có báo cáo liên quan đến vấn đề này. Về tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, chúng tôi kiến nghị ngoài cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo , còn cần cho vay đối với các hộ ở vùng tái định cư để họ có thể đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra đề nghị chính phủ rà soát lại tổng thể các cơ chế hỗ trợ về xoá đói giảm nghèo để có cơ chế bổ sung, chỉ đạo các cấp, cơ quan hữu quan để xoá đói giảm nghèo”.
|
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Ảnh VGP/ Nhật Bắc |
Về kinh tế, nhiều đại biểu ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Tuy nhiên, để đảm bảo nền kinh tế ổn định vững chắc, Chính phủ cần tập trung vào một số trọng tâm. Ông Phạm Huy Hùng, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đề nghị: “ Chúng tôi đề nghị tiếp tục xem xét có đề án tái cấu trúc kinh tế tổng thể hơn, xác định rõ mục tiêu, kế hoạch, lộ trình cụ thể của từng nội dung để thực hiện được việc tái cơ cấu, trong đó trọng tâm là xác lập được cân đối vĩ mô, xác định nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương. Song song với đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có giải pháp quyết liệt để kích cầu, xử lý hàng tồn kho, nợ xấu, giải quyết tảng băng bất động sản; rà soát lại các cơ chế, chính sách không hợp lý để rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực tế.”
Cũng tại buổi thảo luận, một số đại biểu cũng đề nghị đầu tư nhiều hơn, sâu hơn cho nông nghiệp; cần có cơ chế đầu tư để đẩy nhanh phát triển kinh tế biển, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước./.