(VOV5) - Các đại biểu đánh giá việc Quốc hội phêt duyệt chủ trương 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia là phù hợp với thực tế.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, hôm nay (30/10), Quốc hội dành cả ngày giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Quốc hội giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu đánh giá việc Quốc hội phêt duyệt chủ trương 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm đi giá trị, thành công của các giai đoạn trước. Từ thực tế giám sát, ông Nguyễn Quốc Luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, kiến nghị: “Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo hướng chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản trong cùng một nội dung. Đối với cấp xã nên ban hành dưới dạng sổ tay hướng dẫn thực hiện”.
Một số đại biểu đề nghị tăng cường phân cấp phân quyền cho địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh. Ông Nguyễn Duy Minh, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đề nghị: “Phải nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát và kịp thời tham mưu sửa đổi các cơ chế, chính sách chưa phù hợp theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tránh chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn Nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của năm 2023 chưa giải ngân hết, đồng thời cho phép địa phương được chủ động quyết định việc điều chỉnh vốn giữa các nội dung dự án, lĩnh vực chi trong kế hoạch vốn dự toán ngân sách nhà nước hằng năm”.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục giám sát về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.