(VOV5) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng nay 23/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và thảo luận về dự án này.
Trước đó vào chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Ảnh: quochoi |
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra và cho rằng với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, sự cố gắng của các thành phần kinh tế và nhân dân, tình hình năm 2019 đạt những kết quả toàn diện và khá tích cực. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,8%, và có thể đạt gần 7% nếu cố gắng.
Quy mô của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đều tăng. Kinh tế vĩ mô xét trên cả 4 mặt gồm CPI, cán cân xuất nhập khẩu, bội chi và nợ công, lao động việc làm đều đạt ổn định và có bước phát triển tốt, từ đó tạo sự phát triển vững chắc cho nền kinh tế, tăng sự tín nhiệm về tài chính đất nước.
Đại biểu Phạm Phú Quốc, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cần có những chính sách nhằm cho các doanh nghiệp thích ứng với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia, đồng thời chú trọng phát triển nền kinh tế tư nhân: “Làm thế nào để các doanh nghiệp tư nhân lớn thì phát triển lớn hơn, doanh nghiệp nhỏ thì phát triển thành doanh nghiệp vừa, vừa thì lên lớn và làm thế nào để bảo vệ được các doanh nghiệp. Chúng tôi thiết nghĩ đối với Việt Nam thì nên hình thành luật bảo vệ doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư. Hiện nay, tại một số luật như Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, Luật đầu tư đã có những điều khoản bảo vệ doanh nghiệp nhưng theo tôi cần những chế tài mạnh mẽ để củng cố và phát triển doanh nghiệp tốt hơn”.