(VOV5) - Đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội không đồng tình với việc mở rộng khung thời gian thỏa thuận làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với luật hiện hành.
Sáng 20/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội không đồng tình với việc mở rộng khung thời gian thỏa thuận làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, tăng 100 giờ so với luật hiện hành.
Theo các ý kiến này, lao động, sản xuất phải hướng tới xu hướng tiến bộ của thế giới, của thời đại công nghiệp 4.0, đó là tăng năng suất lao động dựa trên cải tiến công nghệ chứ không phải dựa trên tăng giờ làm của người lao động. Nếu để phương án tăng thời gian làm thêm sẽ tạo sức ì khiến doanh nghiệp thay vì phải đầu tư vào công nghệ hiện đại để hiện đại hóa sản xuất thì lại tận dụng sức lực của người lao động.
Một số ý kiến cho rằng thực tế việc tăng thời gian lao động thực sự cần thiết ở một số ngành nghề và ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực như da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… Do vậy cũng nên cân nhắc có nên quy định mở rộng khung giờ làm thêm đối với một số ngành nghề, để tăng thu nhập cho người lao động.
Về nâng tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến đồng tình với việc cần quy định tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên cần đảm bảo lộ trình hợp lý. Theo đó đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.