(VOV5) - Việc xây dựng Đề án được Quốc hội đánh giá là cần thiết, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết tại Phiên họp. - Ảnh: quochoi.vn |
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều 18/11, với đa số tán thành, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng Đề án được Quốc hội đánh giá là cần thiết, giúp hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Trình bày nghị quyết phê quyệt Đề án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Hoàng Thanh Tùng, khẳng định: "Mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số. Đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước".
Mục tiêu của đề án đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020/Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%/100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố và sử dụng điện lưới quốc gia... Mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới... Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.
Cũng tại phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.