Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016

(VOV5) - Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là hơn 596.880 tỉ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là trên 417.610 tỉ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là hơn 850.880 tỉ đồng.


Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016  - ảnh 1
Ảnh: TTXVN


Với đa số phiếu tán thành, sáng nay, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là hơn 596.880 tỉ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là trên 417.610 tỉ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là hơn 850.880 tỉ đồng. Nghị quyết cũng nêu rõ phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước phải ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết, ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công - tư…


Trước đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và cho rằng việc ban hành nội quy kỳ họp quốc hội nhằm tiếp tục cải tiến cách thức, quy trình, thủ tục tiến hành kỳ họp, nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội; đảm bảo hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn, từng bước đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước. 


Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với quy định về công dân tham gia dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội, cho rằng đây là nội dung mới và quan trọng. Vì người dân có quyền giám sát hoạt động của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy, đoàn Bình Định, nêu ý kiến: “Nội quy của kỳ họp cần cụ thể hóa Hiến pháp về công dân được mời dự thính kỳ họp, nhất là quy định mang tính nguyên tắc về những phiên họp mà công dân được dự thính, số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cũng là dịp để đại biểu Quốc hội báo cáo trực tiếp với cử tri về lời hứa của mình khi vận động bầu cử tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội”.


Chiều nay, Quốc hội làm việc tại tổ về dự án Luật tiếp cận thông tin và dự án Luật báo chí (sửa đổi). Trong phiên thảo luận, các đại biểu tập trung góp ý vào các quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; quản lý nhà nước về báo chí; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí… Điểm mới của dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí… Bên cạnh đó, dự thảo cũng lựa chọn luật hóa những quy định về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, cơ quan thường trú… nhằm làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.


Đối với dự án Luật tiếp cận thông tin, các đại biểu tập trung thảo luận về quyền tiếp cận thông tin của người dân; cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác