(VOV5) - Các đại biểu cho rằng trong bối thế giới có các cuộc xung đột vũ trang và chính sách thắt chặt tiền tệ ở một số nước lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam.
Hôm nay (1/11), tại Hà Nội, Quốc hội dành cả ngày tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025...
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước. Ảnh:quochoi.vn |
Các đại biểu cho rằng trong bối thế giới có các cuộc xung đột vũ trang và chính sách thắt chặt tiền tệ ở một số nước lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong thời gian tới, khả năng phục hồi kinh tế chậm. Ông Trần Anh Tuấn, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến:Chúng ta có thể điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng hơn. Hiện nay thuế VAT (Thuế giá trị gia tăng), giảm từ 10% xuống 8% cho một số mặt hàng. Tuy nhiên, để kích cầu nền kinh tế, tôi nghĩ là nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng. Chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên rất hiệu quả. Hiện nay, chương trình tín dụng này chỉ áp dụng cho khoản vay ngắn hạn tôi nghĩ trong thời gian tới nên có cơ chế cho vay trung và dài hạn. Tại vì những lĩnh vực ưu tiên này là động lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, khoa học công nghệ, kinh tế số, công nghệ cao.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn, đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, góp ý:Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, Chính phủ đề ra 12 nhóm giải pháp, tôi quan tâm đến nhóm giải pháp thứ 4 đó là giải pháp tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có giải pháp đẩy mạnh, cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng trưởng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.
Trong phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của ngành mà đại biểu Quốc hội nêu.