(VOV5) - Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày (từ chiều nay đến hết ngày mai) thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều nay (31/10), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước.
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 31/10/2023. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng, ước tính cả năm nay có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, thu ngân sách Nhà nước vượt mục tiêu đề ra. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam dự báo đạt hơn 5%. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng từ 6 - 6,5% trong năm sau.
Ông Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, nêu ý kiến: "Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến Việt Nam ra sao; độ mở bao nhiêu là phù hợp với Việt Nam. Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. Đề nghị Chính phủ quan tâm tới 3 giải pháp sau. Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa, tiếp tục giảm thuế, phí và lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đề nghị Quốc hội tổng rà soát các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới. Thứ 3, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật hoặc Nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng".
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Phạm Trọng Nghĩa. Ảnh: quochoi.vn |
Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày (từ chiều nay đến hết ngày mai) thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Trong phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ cũng tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.