(VOV5) - Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua.
Ngày 26/5, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là S&P (Global Ratings) đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định”. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ trên cơ sở ghi nhận nền kinh tế đang trên đà phục hồi vững chắc. Đánh giá Triển vọng “Ổn định” cũng thể hiện dự báo của S&P trong vòng 12 đến 24 tháng tiếp theo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, vượt qua các khó khăn, thách thức do đại dịch trong hai năm qua, góp phần củng cố vị thế đối ngoại và kiềm chế thâm hụt ngân sách.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Cụ thể, S&P ghi nhận kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế di chuyển trong nước và xuyên biên giới, tỷ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát COVID. Sự cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chất lượng quản trị các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với triển vọng kinh tế mạnh mẽ, vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI bất chấp gián đoạn do đại dịch, đó là những yếu tố quan trọng khiến S&P quyết định nâng hạng cho Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, việc tổ chức S&P nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội.