(VOV5) - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn Tiến sĩ Philipp Rosler tiếp tục kết nối, giới thiệu để có nhiều trường đại học của Việt Nam được hợp tác với các trường đại học của Thụy Sĩ và của Đức.
Ngày 13/4, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có buổi tiếp Tiến sĩ Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi nhiều nội dung nhằm kết nối, thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam với Thụy Sĩ và Đức.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp Tiến sĩ Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn Tiến sĩ Philipp Rosler sẽ tiếp tục kết nối, giới thiệu để có thêm nhiều trường đại học của Việt Nam được hợp tác với các trường đại học của Thụy Sĩ và của Đức.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Trong bước phát triển của Việt Nam tới đây, nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ, kỹ thuật cao sẽ ngày càng lớn, đây lại là thế mạnh của Thụy Sĩ và Đức, do đó, trong sự kết nối, giới thiệu, mong Tiến sĩ Philipp Rosler sẽ lưu ý về hợp tác nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo của khối các ngành công nghệ kỹ thuật.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi tiếp. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng mong muốn Tiến sĩ Philipp Rosler sẽ hỗ trợ kết nối để thiết lập được các nhóm nghiên cứu chung giữa các giáo sư, chuyên gia thuộc các trường đại học Việt Nam với các giáo sư, chuyên gia thuộc các trường đại học của Thụy Sĩ, Đức và Châu Âu. Sự giao lưu giữa các nhà khoa học, thành lập các nhóm nghiên cứu chung, theo Bộ trưởng, là con đường rất ngắn để thúc đẩy mặt bằng về khoa học.
Về phần mình, Tiến sĩ Philipp Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sĩ, khẳng định việc thúc đẩy, hỗ trợ cho đào tạo nghề của Việt Nam, cũng như nghiên cứu ở cấp bậc cao hơn là sứ mệnh, trách nhiệm của mình. Tiến sĩ Philipp Rosler đồng thời nhận định Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tiên phong đưa kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển, giáo dục và đào tạo là vấn đề tiên quyết giúp giới trẻ Việt Nam hội nhập quốc tế.