(VOV5) - Chiều 9/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Nội dung chính được các đại biểu đóng góp ý kiến là tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách và tiêu chuẩn của đại biểu để đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Quang cảnh buổi họp - Ảnh; quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Kiên Giang, nêu ý kiến: “Tôi thống nhất theo hướng là tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách trong Luật này từ mức ít nhất 35% lên 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội được bầu ra. Việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là phù hợp với mục tiêu đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng sẽ thúc đẩy vai trò Quốc hội trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình và nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước.”
Các đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội như tiêu chuẩn đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người tái cử làm đại biểu Quốc hội để xem xét khi giới thiệu ứng cử, bầu cử; tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để phục vụ công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu.
Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình, cho rằng: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước quyết định mọi vấn đề của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điều đó đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội phải am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực của đất nước về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tôi đề xuất ngoài 5 tiêu chuẩn đã được quy định đại biểu Quốc hội cần có tiêu chuẩn cụ thể đó là đại biểu Quốc hội phải có am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống, kinh tế xã hội; có khả năng phân tích, tổng hợp, phản biện tư duy diễn đạt và biểu đạt ý kiến.”