Tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước

(VOV5) - Các dự án Luật sửa đổi và Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều nay (12/02), tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước - ảnh 1 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Các dự án Luật sửa đổi và Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật được sửa đổi nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan Nhà nước ở trung ương với địa phương, và giữa các cấp chính quyền địa phương; tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: “Khi phân quyền phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phải đảm bảo một xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan và giữa các cấp chính quyền địa phương; phù hợp với điều kiện đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và khả năng điều kiện thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp.”

Tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình. Ảnh: quochoi.vn

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết: “Việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước; tránh khoảng trống pháp luật. Bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy Nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác