Tham vấn Việt Nam- New Zealand lần thứ 13

(VOV5) - Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, khoa học - công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyển đổi số...

Từ 3/2 - 5/2/2025, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thăm New Zealand theo chương trình “Khách mời ASEAN của Thủ tướng New Zealand”, đồng chủ trì Tham vấn chính trị lần thứ 13 Việt Nam - New Zealand và làm việc với một số đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand.

Tham vấn Việt Nam- New Zealand lần thứ 13 - ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trong cuộc gặp Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon - Ảnh: Bộ Ngoại giao

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - New Zealand sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2025) và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam và New Zealand có tin cậy chính trị cao, chia sẻ nhiều điểm đồng và còn nhiều tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực mới bên cạnh những lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, giáo dục.

Tại Tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và trong trao đổi với các đối tác New Zealand, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi, tham vấn song phương, củng cố tin cậy chính trị; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; triển khai mạnh mẽ các biện pháp, trong đó có việc tăng tiếp cận thị trường cho sản phẩm của hai bên, nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 3 tỷ USD. Hai bên cũng nhất trí mở rộng hợp tác về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, khoa học - công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa lĩnh vực này trở thành trụ cột mới của quan hệ hai nước, góp phần khai thác những tiềm năng và thế mạnh của hai bên.

Trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc và các cơ chế hợp tác mà hai bên là thành viên. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác