(VOV5) - Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.
Chiều 10/01, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ hai diễn ra tại Phnompenh, Campuchia, với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ, Lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Với chủ đề “Dòng sông hoà bình và phát triển bền vững của chúng ta”, Hội nghị rà soát tình hình triển khai hợp tác kể từ Hội nghị MCL lần thứ nhất (tháng 3/2016) và trao đổi về phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Các nhà Lãnh đạo tái khẳng định mục tiêu xây dựng một khu vực Mekong – Lan Thương hoà bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng; nhất trí hợp tác Mekong - Lan Thương cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Cùng với đó, hợp tác Mekong - Lan Thương cũng cần phối hợp hài hoà với các chương trình, kế hoạch phát triển như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Chương trình nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và cũng như các sáng kiến liên kết khu vực.
Toàn cảnh hội nghị chính thức |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự coi trọng và đóng góp của Việt Nam vào hợp tác Mekong-Lan Thương trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc, mục tiêu quan trọng mà hợp tác cần bảo đảm để có thể đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của các nước thành viên, thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Về hợp tác 5 năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc chú trọng tăng cường hợp tác bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, đưa hợp tác nguồn nước trở thành một trọng tâm hợp tác giữa sáu nước. Theo Thủ tướng, các ưu tiên trước mắt gồm tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu khí tượng thuỷ văn; hợp tác ứng phó với hạn hán, lũ lụt; tiến hành các nghiên cứu khoa học chung và nghiên cứu xây dựng Quy chế vận hành liên hồ chứa nước dọc theo dòng chảy Lan Thương - Mekong. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở hoàn thiện và kết nối để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, dịch vụ, dòng vốn và đi lại của người dân; Hỗ trợ các nước Mekong – Lan Thương tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Thu hút nguồn lực hướng vào phát triển hạ tầng và tạo điều kiện cho các dự án phát huy tiềm năng, thế mạnh, giải quyết việc làm cho người dân; Tăng cường hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Các đề xuất và đóng góp của đoàn Việt Nam được các nước thành viên đánh giá cao và thể hiện trong các văn kiện của hội nghị.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Phnompenh và Kế hoạch hành động 5 năm MLC giai đoạn 2018-2022 với các định hướng lớn và các biện pháp triển khai hợp tác trên ba trụ cột an ninh - chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội, văn hoá và giao lưu nhân dân.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Campuchia chuyển giao vai trò đồng chủ trì hợp tác Mekong-Lan Thương cho Thủ tướng CHDCND Lào.