(VOV5) - Trong tháng 5, việc khôi phục thị trường du lịch nội địa đang cho thấy một “sức sống mạnh mẽ”.
Sáng 2/6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn “bình thường mới”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ 48 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Phần lớn các ca mắc COVID-19 đều đã ra viện. Các cơ quan báo chí, thông tấn lớn trên thế giới đã nhiều lần đưa tin, đánh giá cao thành tựu phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam. Trên mặt trận phát triển kinh tế, xã hội, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch nhà nước năm 2020. Trong tháng 5, việc khôi phục thị trường du lịch nội địa đang cho thấy một “sức sống mạnh mẽ”. Các trung tâm du lịch lớn, khách du lịch tới đông đảo. Hàng không và du lịch bắt đầu hoạt động trở lại nhộn nhịp. Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Một điều rất khái quát đó là các chỉ tiêu của tháng 5 tốt hơn tháng 4. Tháng 5 cũng là tháng mà hình ảnh của Việt Nam trên quốc tế tăng lên. Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy của các chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển kể cả trong nước và quốc tế. Chúng ta xác định đây cũng là cơ hội rất quan trọng để nước ta vươn lên trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn thách thức. Chúng ta đã tận dụng thời cơ vàng từ việc kiểm soát dịch bệnh. Lạm phát giảm, đời sống người dân được đảm bảo.
Thủ tướng yêu cầu cần đề ra những biện pháp mạnh mẽ để phát triển đất nước; tạo đà cho phát triển mạnh mẽ những tháng còn lại của năm 2020. Cùng với đó là cần theo dõi sát tình hình quốc tế, có những đối sách về thương mại, đầu tư, du lịch nhất là việc tận dụng, thu hút nguồn vốn đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu.
Chiều 2/6, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Việt Nam có cơ hội phục hồi kinh tế xã hội hơn các nước khác khi kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trong năm nay. Thủ tướng nêu lên những thách thức, trong đó thách thức bên ngoài vẫn là đại dịch COVID-19, căng thẳng thương mại giữa các quốc gia:
Thứ nhất là đề cao kiểm soát dịch bệnh, dù đã đẩy lùi và kiểm soát được nhưng không chủ quan, nhất là các thành phố lớn, các khu dân cư tập trung. Do đã kiểm soát được dịch bệnh nên cơ hội đối với Việt Nam tốt hơn các nước. Phương châm đặt ra là không lùi bước trong khó khăn. Mọi cấp, ngành phải có giải pháp, một tinh thần kiên quyết, có giải pháp cụ thể để đưa nền kinh tế vượt lên, đạt mục tiêu cao nhất của năm 2020. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu kép: chống dịch thành công và khôi phục kinh tế xã hội phải quyết liệt hơn theo tinh thần đạt mục tiêu cao nhất, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc phê duyệt, quyết liệt triển khai các gói hỗ trợ mà Chính phủ như: gói chính sách tiền tệ; gói hỗ trợ về tài khóa; gói hỗ trợ an sinh xã hội cho 20 triệu người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các bộ, ngành phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông, sân bay, bến cảng… Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, kích cầu du lịch và tiêu dùng nội địa; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người nghèo.