(VOV5) - Thủ tướng tin tưởng trong nhiệm kỳ của Đại sứ, sẽ có nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Chiều 31/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
|
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng và đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2018, hết tháng 9/2019 đạt 1,2 tỷ USD. Hiện Thụy Điển có 67 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn 364 triệu USD. Cho rằng đây là những con số còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác hai nước, Thủ tướng đề nghị trong nhiệm kỳ này, Đại sứ thúc đây mạnh mẽ hợp tác thương mại và đầu tư hai nước.
Thủ tướng tin tưởng trong nhiệm kỳ của Đại sứ, sẽ có nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, góp phần nâng kim ngạch thương mại song phương cũng như tăng vốn đầu tư vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới.
Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, một lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng không và một số lĩnh vực khác.
Cũng trong chiều 31/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Tại buổi tiếp, hoan nghênh Pháp triển khai các dự án trong lĩnh vực môi trường, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Pháp thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Cho rằng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại và đầu tư còn rất lớn, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Pháp trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh, trong đó có lĩnh vực hàng không.
Đại sứ Pháp Nicolas Warnery cho biết Pháp rất ủng hộ việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) và đang tiếp tục có nhiều biện pháp thúc đẩy các nghị sĩ và Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn. Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, Pháp mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, văn hóa.