(VOV5) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, sáng 19/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật tiếp công dân. Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị ở Việt Nam. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, chính sách để có các biện pháp xử lý và khắc phục kịp thời.
|
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, Luật chỉ nên quy định về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội mà không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập để tránh dàn trải. Về trụ sở tiếp công dân, đa số ý kiến tán thành cần có quy định về trụ sở tiếp công dân của các cơ quan tổ chức. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên thành lập trụ sở tiếp công dân chung mà các cơ quan, tổ chức phải tổ chức tiếp công dân riêng theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, cần có Văn phòng tiếp công dân chung cho các cơ quan của Quốc hội do Ban dân nguyện chủ trì: “Tôi đề nghị có thể quy định luôn ra là mỗi tuần hay 1 tháng là tiếp công dân 1 lần, tham mưu đề xuất Quốc hội, các cơ quan Quốc hội giải quyết các việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội như ra luật, giám sát hay quyết định những vấn đề quan trọng hay những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời chuyển đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và yêu cầu thời gian giải quyết và báo cáo với Quốc hội. Tôi nghĩ rằng trong Luật này có thể quy định được chứ không có gì khó ở chỗ này.”
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật việc làm./.