(VOV5) - Phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 kết thúc chiều 04/6, sau 2 ngày làm việc. Phát biểu tổng kết phần thảo luận này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết do điều kiện thời gian, đã có 86 đại biểu trên tổng số 119 đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến về nhiều nội dung quan trọng của Dự thảo. Tất cả các ý kiến này sẽ được chuyển đến Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.
|
Tại phiên thảo luận chiều 04/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị Hiến pháp cần phân định cụ thể hơn nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương; về vị trí, vai trò, tổ chức, chức năng của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Đề cập quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ông Nguyễn Đức Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đề nghị: “Nên bổ sung thêm chính sách của Nhà nước về khuyến khích, tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước phát triển kinh tế nhằm thu hút mạnh nguồn lực đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc bổ sung nội dung này vào Hiến pháp cũng tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển kinh tế trong nước.”
Phát biểu tổng kết phần thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá phần thảo luận đã diễn ra nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao. Về một số nội dung cụ thể, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Nhìn chung, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu bản Dự thảo, nhất là những vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc liên quan đến bản chất chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh. Về tên nước, tuyệt đại đa số tán thành lấy tên nước là CHXHCN Việt Nam. Về bản chất Nhà nước, hầu hết khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Về Đảng CSVN, tất cả ý kiến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với Nhà nước và xã hội. Về chế độ kinh tế, các đại biểu khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Riêng về vai trò của các thành phần kinh tế vẫn còn 3 loại ý kiến khác nhau. Các đại biểu Quốc hội cũng tiếp tục khẳng định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Về chính quyền địa phương, đây là nội dung rất lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau.”
Sau phiên họp này, Đoàn thư ký kỳ họp sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến tới từng đại biểu Quốc hội về nội dung của Dự thảo. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của nhân dân, Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục hoàn chỉnh và nghiên cứu để có được bản Dư thảo với chất lượng tốt hơn, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra trong 2 ngày qua được cử tri rất quan tâm. Đa số ý kiến của cử tri cho rằng những ý kiến thảo luận thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong công tác lập hiến. Ông Trần Hồng Ngọc, cử tri ở Hà Nội, bày tỏ: “Các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ về Hiến pháp. Quốc hội thảo luận kỹ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, nhất là Hiến pháp là luật cơ bản để phát triển đất nước trong tương lai. Cử tri mong có bản Hiến pháp trọn vẹn, góp phần xây dựng đất nước vững mạnh.”
Theo chương trình dự kiến, sáng 05/6, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội./.