(VOV5) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào; Quốc vương Campuchia; Thủ tướng Canada; Chủ tịch đương nhiệm Liên minh châu Phi; Tổng Thư ký Pháp ngữ...
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ tại Pháp, hôm qua (05/10), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có nhiều cuộc gặp song phương quan trọng với lãnh đạo Lào, Campuchia, Canada, Bỉ, Thuỵ Sỹ, Armenia, Mauritania và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xúc song phương với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith - Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhắc lại kết quả tốt đẹp của chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Cuộc gặp thường niên giữa hai Bộ Chính trị Việt Nam - Lào vào tháng 09 vừa qua. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao việc các ban, bộ, ngành và địa phương hai nước đang tích cực phối hợp, triển khai các định hướng lớn mà Bộ Chính trị hai nước đã thống nhất tại cuộc gặp, trong đó có việc thúc đẩy một số dự án trọng điểm đạt bước tiến tích cực; khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao các cơ quan liên quan tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, chương trình hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và các cơ chế song phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xúc song phương với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni - Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tại cuộc gặp Quốc vương Campuchia, Norodom Sihamoni, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng Campuchia được tín nhiệm lựa chọn đăng cai Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 20 vào năm 2026. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những thành tựu của quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia thời gian qua và mong muốn các thế hệ lãnh đạo sẽ tiếp nối truyền thống đó, tiếp tục nuôi dưỡng và thúc đẩy quan hệ phù hợp với nhu cầu trong giai đoạn phát triển mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Canada Justin Trudeau - Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chúc mừng Canada đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7); khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng Canada và các nước thành viên G7 đóng góp cho các nội dung hợp tác của G7, trong đó có vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhất trí với các đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về định hướng phát triển quan hệ hai nước, Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện trên các lĩnh vực ưu tiên, nhất là chính trị - ngoại giao, kinh tế -thương mại, quốc phòng, giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân; và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (PKO).
Trong cuộc gặp Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Bỉ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; tăng cường hợp tác phát triển và hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, dịch vụ hậu cần, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh, giáo dục - đào tạo, giao lưu văn hóa; phối hợp tận dụng hiệu quả Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVIPA).
Tại cuộc gặp Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Ghazouani, Chủ tịch đương nhiệm Liên minh châu Phi (AU), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao vai trò của Mauritania trên cương vị Chủ tịch AU; cảm ơn AU đã tạo điều kiện để Việt Nam hoàn tất các thủ tục để trở thành quan sát viên chính thức của AU vào tháng 12/2023. Về phần mình, Tổng thống Ghazouani đánh giá Việt Nam là tấm gương thành công cho các nước châu Phi, trong đó có Mauritania; tin tưởng Việt Nam sẽ là cầu nối tích cực cho hợp tác AU – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Gặp Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị OIF quan tâm thúc đẩy các mô hình hợp tác 3 bên hỗ trợ các nước châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác Nam-Nam, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, giảng dạy tiếng Pháp, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp bằng tiếng Pháp; quan tâm, ủng hộ những nỗ lực của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực trong đó có Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS).