Chiều 23/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư là người đủ uy tín, đủ năng lực
Bày tỏ nhất trí cao với việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, ông Dương Quang Phái – nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) nhấn mạnh rằng, đây “là quyết định chính xác, hợp lòng dân”. Bởi, tính đến thời điểm này, Tổng Bí thư là người đủ uy tín, đủ năng lực để giữ chức Chủ tịch nước.
|
Ông Dương Quang Phái. |
Theo lý giải của ông Phái, từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến cả về kinh tế - xã hội và chính trị trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến đổi khó lường. Đây là công lao của toàn Đảng, toàn dân, nhưng trong đó có đóng góp rất lớn của người đứng đầu. Đặc biệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Tổng Bí thư là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm được rất nhiều việc, không để các vụ án chìm xuồng, kể cả các vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Nguyên Vụ trưởng cũng tâm tư rằng, được phân công 2 nhiệm vụ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ vất vả hơn, song ông tin tưởng với sự tín nhiệm của nhân dân, cử tri của nước, cùng với sức khỏe và tâm huyết với Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển hơn nữa.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. “Trước đó, Đại hộ XII cũng đã có ý kiến thực hiện mô hình này. Nhưng còn ý kiến khác nhau và do tình hình cụ thể lúc đó nên chưa thực hiện được. Bây giờ đã chín muồi rồi, tạo được sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân” – ông Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Vị đại biểu Quốc hội liên hệ, các nước XHCN như Trung Quốc, Lào... đã thực hiện mô hình này thì việc nước ta áp dụng cũng là phù hợp với thực tiễn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang áp dụng thí điểm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND sẽ tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện. Hơn nữa, việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước còn có nhiều điểm thuận lợi về đối nội, đối ngoại cũng như sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, đại biểu Quốc hội kỳ vọng và tin tưởng với trọng trách mới, cương vị mới, Tổng Bí thư sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao.
Ấn tượng với những phát ngôn mạnh mẽ chống tham nhũng
Phấn khởi trước kết quả bầu Chủ tịch nước, ông Đỗ Văn Ân (ở Thụy Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người trong sạch, liêm khiết, đủ đức, tài, có uy tín rất lớn trong Đảng, xứng đáng vào vị trí quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế.
Trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại trong lòng người dân hình ảnh rất uy tín, tâm huyết với đất nước, luôn lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Ông là tấm gương được lòng dân.
Có thể nói, ấn tượng nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Câu nói của Tổng Bí thư: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” hay “Chống tham nhũng, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm”, cho thấy quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý vấn đề này đến nơi đến chốn. Bằng chứng là trong 2 năm qua nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn lần lượt được phanh phui, đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
“Nghị quyết của Trung ương, cùng với thái độ kiên quyết, rõ ràng, dứt khoát của Tổng Bí thư đã đưa phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng sang một trang mới. Do đó củng cố được lòng tin của dân với Đảng” – ông Ân nhấn mạnh.
Ông Đỗ Văn Ân cũng cho rằng, một người nhưng được phân công 2 nhiệm vụ, vừa đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu Nhà nước sẽ vất vả nhưng bộ máy sẽ gọn bớt, phù hợp với chủ trương của Trung ương cũng như thuận lợi cho sự kết hợp công việc của Đảng và Nhà nước.
“Từ chủ trương của Đảng cụ thể hóa sang các hoạt động của Nhà nước cũng sẽ nhanh hơn. Đảng ta là Đảng lãnh đạo toàn diện, Trung ương đã có Nghị quyết, Tổng Bí thư thi hành Nghị quyết của Trung ương mà đồng thời là Chủ tịch nước thì sẽ rất thuận lợi. Tạo ra sự thống nhất trong Đảng và Nhà nước”- ông Ân chia sẻ và hy vọng khi nhận nhiệm vụ mới, Tổng Bí thư sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế-xã hội, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm sao cho đất nước ta ngày càng phát triển hơn”.