(VOV5) - 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Chiều nay (6/2), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 10 về tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 về phát triển, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin truyền thông, năm ngoái, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, nhanh nhất Đông Nam Á. Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế: Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 02 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian tới chuyển đổi số phải gắn chặt với cuộc cách mạng về cải cách bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các ngành, các cấp và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu để Việt Nam phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VOV |
Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc “cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần “tăng tốc, bứt phá”: "Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới. Tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, tạo ra bước nhảy vọt về năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức và kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số. Tăng tốc, bứt phá trong phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn."
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ đến tháng 6 năm nay, tất cả các lãnh đạo bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến hết năm nay, đạt 80% dịch vụ công trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.