(VOV5) - Với việc thí điểm phần mềm mới, Quốc hội khóa 14 có thể sẽ đi vào lịch sử hoạt động lập pháp của Việt Nam như là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Nghị viện số.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35 - Ảnh: quochoi.vn
|
Tiếp tục phiên họp 35, ngày 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tổng kết kỳ họp thứ 7; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Một nội dung quan trọng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp kín, cho ý kiến trong chiều nay, đó là về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026. Đề án Xây dựng Quốc hội điện tử nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ người dân, cử tri của các cơ quan Quốc hội; nâng cao năng lực quản lý điều hành của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các đơn vị; tăng cường mối liên hệ của các cử tri trong và ngoài nước với các cơ quan của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội; góp phần tuyên truyền về Quốc hội Việt Nam.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, mỗi đại biểu Quốc hội được trang bị một chiếc máy tính bảng để sử dụng tại hội trường, dùng để tra cứu được tất cả tài liệu, trừ tài liệu mật. Mục tiêu hướng tới tại các kỳ họp sau là giảm tài liệu giấy, đại biểu đi họp chỉ cần mang theo một chiếc máy tính bảng.
Với việc thí điểm phần mềm mới, Quốc hội khóa 14 có thể sẽ đi vào lịch sử hoạt động lập pháp của Việt Nam như là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Nghị viện số.